Nhiều hộ gia đình Mỹ lao đao vì lãi suất cao

17:43' - 22/05/2024
BNEWS Kinh tế Mỹ nói chung vẫn vững mạnh dù lãi suất ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều gia đình có thu nhập thấp và trung bình đang gặp khó khăn.
Lãi suất cao không làm sụp đổ hệ thống tài chính, tạo làn sóng phá sản hay gây ra suy thoái kinh tế như nhiều nhà kinh tế lo ngại. Tuy nhiên, đối với hàng triệu gia đình có thu nhập thấp và trung bình, lãi suất cao đang khiến cuộc sống của họ trở nên bấp bênh.

Ngày càng nhiều người Mỹ chậm thanh toán các khoản vay bằng thẻ tín dụng và ô tô. Chi phí lãi vay hàng tháng đã tăng vọt kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất hai năm trước. Đối với các gia đình vốn đã căng thẳng vì giá cả tăng cao, tiền tiết kiệm giảm dần và tăng trưởng tiền lương chậm lại, chi phí đi vay tăng cao đang đẩy họ đến gần bờ vực mất khả năng thanh toán.

Trong khi đó, các quan chức Fed đã chỉ ra rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, trong nhiều tháng. Theo dữ liệu của Fed, khoảng 56% những người có thu nhập dưới 25.000 USD đang ôm khoản nợ thẻ tín dụng trong năm 2022, cao hơn so với tỷ lệ 38% những người có thu nhập hơn 100.000 USD.

Nghiên cứu kinh tế gần đây cho thấy chi phí đi vay cao có thể là một lý do khiến người Mỹ có cái nhìn mờ mịt về tình hình kinh tế. Trong các cuộc khảo sát, các hộ gia đình có thu nhập thấp vẫn đặc biệt lo lắng về tình hình tài chính của họ.

Cố vấn tài chính Barbara L. Martinez, làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận Heartland Alliance cho biết đối với nhiều khách hàng có thu nhập thấp, nợ nần là vấn đề không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi giá lương thực và tiền thuê nhà tăng vọt. Họ không có tiền tiết kiệm để trang trải những chi phí bất ngờ như sửa xe hoặc ốm đau. Bà Martinez lưu ý chi phí đi vay cao khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Lãi suất cao đang làm gia tăng sự chênh lệnh về khối tài sản giữa các hộ gia đình có thu nhập cao và thấp. Dữ liệu của Fed cho thấy giá trị tài sản của các hộ gia đình có thu nhập cao một lần nữa lại lập kỷ lục. Ngược lại, đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, tài sản sau khi trừ đi nợ thẻ tín dụng, nợ thế chấp và các khoản nợ khác vẫn dưới mức trước khi Fed bắt đầu tăng lãi suất.

Nhà kinh tế Brian Rose tại UBS cho hay các hộ gia đình có thu nhập cao đã chứng kiến sự gia tăng lớn về giá trị ngôi nhà và giá trị danh mục đầu tư của họ. Các hãng hàng không, khách sạn và các ngành công nghiệp khác phục vụ chủ yếu cho người tiêu dùng có thu nhập cao thường báo cáo lợi nhuận cao trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, các thương hiệu đại chúng như McDonald's và KFC đã báo cáo doanh số bán hàng chậm hơn, do sự khó khăn về tài chính của người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Sự chênh lệch này khiến các quan chức Fed rơi vào tình thế khó khăn: Chi tiêu của các hộ gia đình giàu có đồng nghĩa với việc lãi suất cao hầu như không kiềm chế được nhu cầu tiêu dùng. Nhưng với một số công cụ chống lạm phát khác, các nhà hoạch định chính sách có rất ít lựa chọn ngoài việc giữ lãi suất ở mức cao - ngay cả khi những chính sách đó gây tổn hại cho các gia đình vốn đang gặp khó khăn.

Một số nhà kinh tế học cho rằng lạm phát đã giảm đủ để Fed nên bắt đầu cắt giảm lãi suất trước khi chính sách này gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng hơn. Nhà kinh tế Rakeen Mabud tại tổ chức Groundwork Collaborative, nhận định lãi suất cao thực sự đã tạo ra những rạn nứt trong quá trình phục hồi và chính những hộ gia đình có thu nhập thấp chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất.

 
Dù vậy, các quan chức Fed cho rằng kiểm soát lạm phát là điều cần thiết, một phần vì nó cũng có tác động lớn hơn đến người nghèo, những người có rất ít ngân sách để trang trải cho giá cả tăng cao. Tại một cuộc họp báo trong tháng này, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết nếu một người đang sống bằng tiền lương và đột nhiên những nhu yếu phẩm đều tăng giá, họ sẽ gặp rắc rối ngay lập tức. Do đó, điều Fed đang làm là sử dụng các công cụ của mình để giảm lạm phát.

Và mặc dù lãi suất cao đã ảnh hưởng đến nhiều gia đình, nhưng vẫn chưa gây ra tình trạng mất việc làm trên diện rộng như nhiều nhà quan sát đã dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, kể cả đối với người lao động da màu và gốc Tây Ban Nha, những người thường dễ bị mất việc làm hơn khi nền kinh tế suy yếu. Bên cạnh đó, mức tăng lương trong nhiều năm qua là mạnh nhất đối với những người lao động được trả lương thấp.

Tuy nhiên, chính sách lãi suất cao hiện nay có thể khiến nhiều gia đình khó xây dựng sự giàu có về lâu dài do và việc sở hữu nhà trở nên khó khăn hơn. Hệ quả có thể là một thế hệ thanh niên lo sợ họ không đủ khả năng mua cũng như thuê nhà.

Chris Nunn, một thanh niên 31 tuổi, đang nợ thẻ tín dụng hơn 6.000 USD, cho biết anh không khả năng để mua nhà khi mắc kẹt với một núi nợ, từ khoản vay sinh viên đến nợ thẻ tín dụng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục