Nhiều khuất tất cần làm rõ tại Cửu Long CIPM

17:51' - 31/10/2019
BNEWS Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam một số lãnh đạo của Cửu Long CIPM liên quan đến đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương.
Cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ảnh: TTXVN

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, ra lệnh bắt tạm giam một số bị can là lãnh đạo của Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long CIPM, thuộc Bộ Giao thông Vận tải, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh) liên quan đến đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Trong đó, đáng chú ý có ông Dương Tuấn Minh, nguyên Tổng Giám đốc Cửu Long CIPM.

* Bán quyền thu phí cao tốc

Liên quan đến đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 3 bị can (hiện đang bị tạm giam trong vụ án khác) gồm Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út trọc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), Phạm Văn Diệt ( Giám đốc điều hành và Vũ Thị Hoan - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh -gọi tắt là Công ty Yên Khánh) về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, tháng 1/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã ra quyết định bắt khẩn cấp và khám xét đối với một số cán bộ của Công ty Yên Khánh vì che giấu doanh số thu phí, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Theo hồ sơ, ngày 30/12/2013, ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Cửu Long CIPM (tiền thân là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương) và bà Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty Yên Khánh ký hợp đồng số 4746/CIPM-HĐ mua bán quyền thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, giai đoạn 1.

Thời gian mua bán quyền thu phí tính từ 0 giờ ngày 1/1/2014 đến 0 giờ ngày 1/1/2019 tại 4 trạm thu phí hiện có gồm trạm thu phí Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa.

Giá trị hợp đồng là 2.004 tỷ đồng. Để đảm bảo thực hiện hợp đồng, ngân hàng có chứng thư bảo lãnh cho bên B (bên mua) với giá trị 110,2 tỷ đồng. Cũng theo hợp đồng, Công ty Yên Khánh thanh toán tiền cho Cửu Long CIPM theo 3 đợt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh tranh chấp. Phía Cửu Long CIPM yêu cầu Công ty Yên Khánh phải nộp phạt gần 265 tỷ đồng vì chậm thanh toán hợp đồng bán quyền thu phí cao tốc.

Thế nhưng, Công ty Yên Khánh cho rằng, việc chưa thực hiện việc trả số tiền phạt do chậm thanh toán vì hợp đồng ký với Bộ Giao thông Vận tải là hợp đồng trọn gói nên công ty không phải thanh toán thêm bất kỳ chi phí nào khác.

Liên quan đến Công ty Yên Khánh và tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, tháng 10/2015, Công ty Yên Khánh (chủ đầu tư) khởi công dự án BOT đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Tuyến đường nối dài 2,7km nhưng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 1.557 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến 20 tháng.

Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa thể hoàn tất, đang triển khai từng phân đoạn dang dở. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo kiểu "da beo" nên một số khu vực không có đường tiếp cận đưa thiết bị vào thi công, khiến máy móc nằm “phơi sương” từ nhiều tháng nay.

* Ký vượt quyền và lạm dụng thương hiệu doanh nghiệp  

Lúc còn là Tổng Giám đốc Cửu Long CIPM, ông Dương Tuấn Minh kê khai thiếu trung thực tài sản cá nhân và đã bị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định kỷ luật.

Cụ thể, ngày 13/2/2015, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định số 635/QĐ-BGTVT thi hành kỷ luật ông Dương Tuấn Minh bằng hình thức khiển trách do vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định, không trung thực kê khai số tài sản lớn (nhiều địa chỉ nhà, đất ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh), trong đó có căn nhà số 283/24 Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh được cho thuê làm nhà nghỉ với giá 36 triệu đồng/tháng (thời gian thuê 10 năm).

Một sự vụ khác liên quan đến ông Dương Tuấn Minh cũng cần được làm rõ là việc tham gia góp vốn, chuyển nhượng vốn của Cửu Long CIPM tại Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân.

Theo báo cáo số 2067/CIPM-HĐTV ngày 19/7/2016 của Hội đồng thành viên của Cửu Long CIPM gửi Bộ Giao thông Vận tải, Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc bàn tỉnh Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chịu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong phạm vi của địa phương .

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch sẽ được huy động từ nguồn khai thác quỹ đất rộng 125ha tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cửu Long CIPM đã đề xuất và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận tham gia dự án này.

Từ năm 2012, Cửu Long CIPM hợp tác với Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico thực hiện dự án khu dân cư 125 ha Long Tân theo tỷ lệ: Cửu Long CIPM góp vốn (tương đương 10% vốn điều lệ) bằng thương hiệu và chi phí quản lý dự án, phía Công ty Cổ phần khoáng sản Nari Hamico nộp 100% tiền mặt.

Tháng 10/2014, ông Dương Tuấn Minh ký công văn gửi Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico giới thiệu chính bản thân ông Minh là người đại diện cho vốn góp của Cửu Long CIPM vào Công ty Cổ phần Ngũ Long Môn. Tuy nhiên, văn bản này không thông qua Hội đồng thành viên Cửu Long CIPM.

Trong cùng tháng 10/2014, Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân ban hành điều lệ công ty, xác định cổ đông sáng lập chỉ có Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico và cá nhân ông Dương Tuấn Minh mà không có pháp nhân Cửu Long CIPM.

Giấy phép đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp sau đó cũng xác định cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân và cá nhân ông Dương Tuấn Minh chứ không phải là Cửu Long CIPM.

Đáng chú ý đến tháng 7/2015, Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico xin rút khỏi liên danh với Cửu Long CIPM thực hiện dự án khu dân cư 125ha Long Tân.

Tháng 8/2015, ông Dương Tuấn Minh ký công văn chấp thuận đề nghị này của Công ty Cổ phần khoáng sản Na Rì Hamico và giới thiệu Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân tham gia dự án.

Đến tháng 10/2015, Tổng Giám đốc Cửu Long CIPM Dương Tuấn Minh đã ký văn bản số 3829/CIPM-ĐT gửi Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân rút tên cá nhân ông Dương Tuấn Minh ra khỏi danh sách cổ đông sáng lập của Công ty Ngũ Long Tân, thay bằng tên ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh sở hữu cổ phần có giá trị 30 tỷ đồng.

Theo báo cáo số 2067/CIPM-HĐTV nói trên của Hội đồng thành viên Cửu Long CIPM, việc góp vốn bằng thương hiệu của Cửu Long CIPM vào Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân phải được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt về chủ trương và thẩm quyền quyết định là Hội đồng thành viên Cửu Long CIPM.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Cửu Long CIPM chưa có báo cáo đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương.

Mọi giao dịch có liên quan đến việc thành lập pháp nhân mới, cử người đại diện, thay đổi cổ đông, tỷ lệ góp vốn tại Công ty Cổ phần Ngũ Long Sơn đều thực hiện thông qua vai trò của Tổng Giám đốc (cá nhân ông Dương Tuấn Minh) mà chưa thông qua Hội đồng thành viên Cửu Long CIPM.

Hội đồng thành viên Cửu Long CIPM khẳng định, bản thân Tổng Giám đốc Dương Tuấn Minh đã ký các văn bản số 4677/CIPM-ĐT ngày 2/10/2014 và văn bản số 3829/CIPM ĐT ngày 12/10/2015 tự mình giới thiệu sau đó tự rút tên khỏi Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân là vượt thẩm quyền của Hội đồng thành viên Cửu Long CIPM; không thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của người đại diện phần vốn của Cửu Long CIPM tại doanh nghiệp khác, làm mất toàn bộ quyền lợi của Cửu Long CIPM tại Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân; không kịp thời báo cáo những vấn đề bất cập trong hoạt động của Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân, không xin ý kiến Hội đồng thành viên trong việc quyết định các vấn đề thay đổi liên quan đến vốn góp, cổ đông; không chấp hành Nghị quyết số 3934/CIPM của Hội đồng thành viên Cửu Long CIPM mặc dù đã có sự giám sát, đôn đốc thực hiện của Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Hậu quả là Cửu Long CIPM đang bị Công ty Cổ phần Ngũ Long Tận lợi dụng tên tuổi uy tín để thực hiện dự án nhưng không xem Cửu Long CIPM có đủ quyền lợi của cổ đông sáng lập, dẫn đến Cửu Long CIPM sẽ mất phần tài sản là thương hiệu đã được thỏa thuận, lượng hóa bằng 10% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân.

Được biết, hiện nay, dự án khu dân cư 125ha Long Tân, Nhơn Trạch Đồng Nai được đổi thành tên thương mại là King Bay, đã và đang được rao bán rầm rộ các nền đất biệt thự ven sông, nhà liền kế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục