Nhiều luồng hàng hải khó hoàn thành nạo vét duy tu theo kế hoạch

17:10' - 10/12/2020
BNEWS Năm 2020 theo kế hoạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt sẽ có 14 tuyến luồng hàng hải được nạo vét, duy tu. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều tuyến luồng chưa hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2020 theo kế hoạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt sẽ có 14 tuyến luồng hàng hải được nạo vét, duy tu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do bất lợi về mặt thời tiết gió mùa đầu năm (tháng 3, tháng 4) sóng to gió lớn không thi công được và vào giữa năm thì báo lũ tại khu vực miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các tuyến luồng hàng hải.

Theo báo cáo tiến độ cập nhật mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, khu vực phía Bắc hiện đã thực hiện xong (tháng 9/2020) các công trình gồm luồng Hải Thịnh (Nam Định), luồng Cửa Việt Quảng Trị, Thuận An (Thừa Thiên Huế). Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành các luồng tại Hải Phòng.

Tại luồng Nghi Sơn (Thanh Hoá), luồng Cửa Lò, Cửa Hội – Bến Thuỷ (Nghệ An), luồng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và luồng Đà Nẵng hiện chưa được thi công vì vướng các thủ tục về đánh giá môi trường trong việc đổ thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tại khu vực phía Bắc, các nhà thầu đang tập trung thi công luồng hàng hải tại Hải Phòng (đoạn Kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm, kênh Cái Tráp). Trong khi đó, luồng Phà Rừng, luồng Lạch Huyện (Hải Phòng) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, riêng luồng Cửa Gianh (tỉnh Quảng Bình) đang thi công thì bị dân phản đối, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Hoàng cho biết, Cục đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và làm việc với chính quyền địa phương cho tạm dừng thi công luồng hàng hải này chờ giải quyết xong ý kiến, kiến nghị của người dân.

Chia sẻ thêm về luồng Cửa Gianh, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng cho hay, phản ứng của người dân xuất phát từ trước đó có một dự án nạo vét theo hình thức xã hội hoá đã làm sụt lở bờ ven biển. Điều này dẫn đến việc người dân cho rằng dự án mà Cục Hàng hải Việt Nam đang thực hiện cũng có nguy cơ gây sụt lún bờ biển, do đó người dân phản đối rất quuyết liệt.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải tại địa phương, ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình cho hay, việc không hoàn thành nạo vét luồng Cửa Gianh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc làm hàng của các chủ tàu. Do độ sâu không đảm bảo nên các tàu đã phải giảm tải trước khi vào luồng dẫn đến chi phí phát sinh. Ngoài ra, khi luồng cạn, không đảm bảo độ sâu chuẩn tắc cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của tàu cá. Người dân sẽ gặp khó khăn trong khi di chuyển tàu vào cảng…

Tại khu vực miền Nam, trong kế hoạch năm 2020 sẽ thực hiện việc nạo vét tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, tuyến luồng Vũng Tàu, Thị Vải (bao gồm luồng Sông Dinh), tuyến luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu hiện đang thực hiện các thủ tục về thiết kế, dự toán để chuẩn bị thi công.

Trong khi đó, các tuyến luồng đang thi công gồm tuyến luồng Rạch Giá (Kiên Giang), tuyến luồng Roài Rạp (đoạn Hiệp Phước) và hiện chỉ có luồng Sài Gòn- Vũng Tàu (đối với khối lượng năm 2019 chuyển sang) và luồng Quy Nhơn (Bình Định) đã hoàn thành.

Có mặt tại công trình nạo vét các luồng hải hàng tại Hải Phòng, phóng viên ghi nhận không khí khẩn trương thi công tại công trình nạo vét tại đây. Ông Nguyễn Phúc Chính, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cho hay, do khởi công muộn nên thời gian không còn nhiều nên các đơn vị thi công đang huy động tổng lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công đảm bảo tiến độ đề ra.

Về việc đổ thải tại các công trình này, ông Nguyễn Phúc Chính thông tin, dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng, đặc biệt là Cục Hàng hải Việt Nam cũng như sự giám sát của đơn vị thì chất nạo vét công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng đã được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.

 

Chia sẻ ý kiến dưới góc độ doanh nghiệp, một doanh nghiệp vận tải biển cho hay, nếu việc nạo vét luồng hàng hải được thực hiện đúng tiến độ sẽ giúp doanh nghiệp và nhà nước tiết kiệm được nhiều tỷ đồng. Bởi khi luồng không cạn các tàu hàng đều phải giảm tải mới đi vào cảng được và như vậy sẽ dẫn đến mất hai lần chi phí.

Trong khi đó, các cảng biển cũng sẽ bị thiệt hại khi luồng cạn vì sẽ kém hấp dẫn các chủ hàng. Các chủ hàng sẽ cân nhắc cảng để vào với chi phí thấp nhất. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng hải Việt Nam sớm có kế hoạch nạo vét, đặc biệt là chủ động hơn quá trình xin cấp phép về môi trường.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo quyết định phê duyệt của bộ về kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2020, khu vực phía Bắc sẽ có 10 tuyến luồng hàng hải được duy tu, nạo vét. Tổng khối lượng nạo vét đối với các tuyến luồng này khoảng 2,7 triệu m3, kinh phí thực hiện khoảng 960 tỷ đồng.

Tại khu vực phía Nam, 2 tuyến luồng hàng hải được duy tu, nạo vét từ năm 2020 - 2021 bao gồm luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu. Các tuyến luồng được nạo vét trong năm 2020, gồm: luồng Vũng Tàu - Thị Vải và luồng Rạch Giá.

Dự án cải tạo, duy tu các tuyến luồng hàng hải khu vực miền Nam năm 2019 được chuyển tiếp sang năm 2020 bao gồm: luồng Sài Gòn - Vũng Tàu (kinh phí năm 2020 là hơn 168 tỷ đồng), luồng Quy Nhơn (kinh phí năm 2020 là 31,2 tỷ đồng); Luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (kinh phí năm 2020 là gần 94 tỷ đồng)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục