Nhiều ngân hàng tại Hà Nội vi phạm trong lắp dựng bảng quảng cáo

07:56' - 16/01/2018
BNEWS Dù các ngành chức năng của Hà Nội quyết liệt ra quân dẹp bỏ biển hiệu, bảng quảng cáo được lắp đặt sai quy định nhưng nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo không phép vẫn ngang nhiên tồn tại.

Đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động quảng cáo của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội do đoàn kiểm tra liên ngành thành phố thực hiện mới đây cho thấy điều đó.

Sai phạm là phổ biến

Ghi nhận qua đợt kiểm tra cho thấy, rất nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo của các ngân hàng vi phạm về kích thước, không xin phép cơ quan quản lý xây dựng, không thông báo nội dung đến cơ quan quản lý văn hóa, không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, cùng một tòa nhà nhưng nhiều doanh nghiệp quảng cáo nhiều nội dung, ghi chữ nước ngoài lớn hơn chữ tiếng Việt…

Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (Việt Á Bank) tại thời điểm kiểm tra có 11 điểm giao dịch lắp dựng bảng quảng cáo nhưng thực hiện chưa đúng quy định. Tại mặt tiền tầng 2 của trụ sở ngân hàng ở số 34A – 34B Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) lắp dựng bảng quảng cáo có kích thước 67,2 m2.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Quảng cáo, đối với các bảng quảng cáo có diện tích trên 20 m2 phải có giấy phép xây dựng. Các bảng quảng cáo thực hiện tại hệ thống ngân hàng chưa có hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Đoàn công tác liên ngành đã yêu cầu ngân hàng làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo, hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với bảng quảng cáo, điều chỉnh chiều cao và vị trí lắp đặt bảng quảng cáo trước 30/1/2018.

Không chỉ có vậy, 14 địa điểm giao dịch của ngân hàng này đều sai phạm do chưa làm thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo, kích thước bảng quảng cáo lớn.

Tại Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) số 34 Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), trên mặt tiền tầng 2 đang có 1 bảng quảng cáo có nội dung biển hiệu với diện tích lên tới 80,27 m2. Tổ công tác liên ngành đã đề nghị Chi nhánh ngân hàng tháo dỡ bảng quảng cáo vi phạm này, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Đại diện ngân hàng cũng thừa nhận hệ thống Ngân hàng Công Thương Việt Nam trên địa bàn Hà Nội có 254 biển hiệu, bảng quảng cáo, trong đó có 70 biển hiệu, bảng quảng cáo có kích thước trên 20 m2.

Theo ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hậu quả của việc lắp dựng bảng quảng cáo kích thước lớn có thể nhìn thấy rõ nhưng dường như các ngân hàng chưa thực sự quan tâm.

Những vi phạm này không chỉ mất mỹ quan đô thị, đe dọa sự an toàn của mọi người xung quanh mà còn gây tổn thất đến chính các đơn vị nếu có sự cố xảy ra, đặc biệt là hỏa hoạn.

Lập lại trật tự quảng cáo

Dù mắc sai phạm nhưng đại diện các ngân hàng viện dẫn nhiều lý do rằng các biển hiệu, bảng quảng cáo làm từ trước khi Luật Quảng cáo ra đời, chi phí thay thế rất lớn nên cần có lộ trình chuyển đổi nhận diện thương hiệu.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á cho rằng, ngân hàng đang xây dựng quy chuẩn, tiêu chí nội bộ nên mới triển khai công tác rà soát, chưa tiến hành điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện việc thực hiện quảng cáo tại địa điểm theo quy định.

Ông Kim Đức Thịnh - Phó trưởng ban Thương hiệu, Khối thương hiệu truyền thông, Vietinbank cũng cho biết, nếu thay thế đồng loạt sẽ tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh; nên có lộ trình thay thế đến năm 2018 hoặc kéo dài hơn.

Trước thực trạng tất cả các ngân hàng được kiểm tra đều vi phạm trong hoạt động quảng cáo, ông Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhìn nhận, xuất phát từ yêu cầu phát triển, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu quảng cáo.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của thành phố Hà Nội thực hiện Năm kỷ cương trật tự đô thị, yêu cầu đặt ra là vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo trật tự đô thị. Thời gian qua, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh tự chỉnh trang mặt tiền địa điểm kinh doanh trong đó có bảng quảng cáo.

Tổ công tác liên ngành của thành phố tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện kiểm tra, rà soát, đề nghị doanh nghiệp phối hợp trong công tác quản lý và thực hiện hoạt động quảng cáo, đưa hoạt động này vào trật tự nề nếp.

Để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố cũng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.

Cụ thể, ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý về đất đai, ngành Xây dựng quản lý cấp phép công trình quảng cáo, ngành Công Thương quản lý cấp giấy phép kinh doanh quảng cáo, ngành Văn hóa quản lý nội dung quảng cáo, chính quyền địa phương quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn…

Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã xử lý các vi phạm nhưng đồng thời cũng hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động quảng cáo.

Dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2050 đã hoàn thiện, đang trình UBND thành phố phê duyệt.

Khi ban hành, quy hoạch này là cơ sở pháp lý để quản lý có hiệu quả và đồng bộ hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thủ đô.

Còn hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng các ngành chức năng tiếp tục xử lý các vi phạm, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định; với những trường hợp cố tình vi phạm có thể ngừng cấp phép hoạt động quảng cáo đối với doanh nghiệp./.

>>> Tháo gỡ bất cập trong cấp phép xây dựng bảng quảng cáo tại Hà Nội

>>> Hà Nội xử lý biển hiệu, bảng quảng cáo quá khổ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục