Nhiều ngân hàng trung ương có xu hướng giữ nguyên chính sách tiền tệ

20:15' - 01/05/2016
BNEWS Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có xu hướng giữ nguyên chính sách tiền tệ
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng giữ nguyên chính sách tiền tệ. Ảnh minh họa: Reuters

Ngày 28/4, ba ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Brazil và New Zealand đều quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản dù với những nguyên nhân nội tại khác nhau. 

Trong lúc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện hành, bất chấp các số liệu kém lạc quan về hoạt động chi tiêu tiêu tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Ngân hàng trung ương Brazil (BCB) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao 14,25%, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ đang phải vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Trong một thông báo, BCB nhấn mạnh động thái trên là cần thiết để đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp leo thang. Theo BCB, tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng qua vẫn ở mức cao và vẫn còn ở rất xa so với mục tiêu đề ra, do đó việc nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn chưa thể thực hiện được. Đây là mức lãi suất cao nhất trong hơn 9 năm qua. 

Tại Tokyo, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 27-28/4, Ủy ban chính sách gồm chín thành viên của Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã quyết định duy trì mức lãi suất tiền gửi cơ bản -0,1%, đồng thời không thay đổi chương trình kích thích trị giá khoảng 80 nghìn tỷ yen (730 tỷ USD)/năm thông qua kế hoạch mua tài sản.

BoJ giữ nguyên các đánh giá trước đó về kinh tế Nhật Bản, khi cho rằng nền kinh tế "xứ hoa anh đào" sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi vừa phải, bất chấp các số liệu yếu kém gần đây về hoạt động sản xuất và xuất khẩu. 

Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 2,25%, đồng thời cảnh báo có thể sẽ hạ lãi suất nếu tỷ lệ lạm phát tiếp tục “quanh quẩn” dưới mức mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lạm phát của New Zealand trong 12 tháng tính đến ngày 31/3 là 0,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 1-3% mà RBNZ đặt ra cho sáu quý liên tiếp. 

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có quyết định tương tự khi giữ nguyên mức lãi suất siêu thấp 0,25-0,5% đúng như dự báo của thị trường.

Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 26-27/4, Fed nhận định kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại mặc dù thị trường lao động mạnh lên, và không đề cập đến việc khi nào sẽ diễn ra lần nâng lãi suất tiếp theo.

Trong thông báo sau khi kết thúc cuộc họp trên, Fed dường như đã bớt quan ngại về bức tranh kinh tế - tài chính toàn cầu so với tại cuộc họp vào tháng Ba, và chỉ nói rằng sẽ tiếp tục theo dõi sát các số liệu về lạm phát và diễn biến kinh tế, tài chính thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục