Nhiều nông sản chưa được doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc

14:40' - 20/11/2021
BNEWS Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam thông báo về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Ngày 20/11, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) đã có văn bản gửi các Cục: Bảo vệ Thực vật, Thú y, Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản; các Vụ: Khoa học và Công nghệ, Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông báo về đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã có thư điện tử đề nghị Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông tin về kết quả đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đáp ứng hướng dẫn tại Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu về hướng dẫn triển khai đăng ký doanh nghiệp nước ngoài.

Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được phản hồi của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Trung Quốc) đối với danh sách doanh nghiệp đăng ký trước ngày 31/10/2021 và việc sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp trên bao bì thực phẩm.

Theo đó, đối với các sản phẩm đã có giao dịch thương mại nêu tại phụ lục 1, Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, thông tin doanh nghiệp được cung cấp bởi các Cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chưa có các sản phẩm.

Cụ thể là: đậu đỏ khô, cau khô, dừa biển khô, hạt dưa đỏ, hạt ý dĩ (hạt bo bo, hạt mạch) tách vỏ, gừng, hạt đậu tằm tươi hoặc bảo quản lạnh, cải thảo tươi hoặc bảo quản lạnh, cải xoăn (cải ngồng) tươi hoặc bảo quản lạnh, ớt tươi hoặc bảo quản lạnh (gồm ớt ngọt), hành (Allium fistulosum) tươi hoặc bảo quản lạnh, củ hoài sơn (Dioscorea oppositifolia L.) tươi hoặc bảo quản lạnh, đậu Hà Lan tươi hoặc bảo quản lạnh (tách vỏ/không tách vỏ), hành tây (củ) tươi và bảo quản lạnh, bột lúa mì, lúa mạch, quả cọ và hạt cọ dầu, vừng.

Với các sản phẩm trên, Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu đề nghị các Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhanh chóng cung cấp thông tin hoặc giải thích rõ không có giao dịch thương mại trong 5 năm qua (từ 01/01/2017 đến nay).

Về mã số đăng ký doanh nghiệp trên bao bì sản phẩm, theo quy định của Lệnh 248, doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do Cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp hoặc do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.

Nếu doanh nghiệp không kịp sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp đã được Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Hiện Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu đã nhận được danh sách kèm theo thông tin doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp đã đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 31/10/2021) do các Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đăng ký. Thời gian công bố mã số doanh nghiệp và kết quả đăng ký doanh nghiệp dự kiến nửa cuối tháng 12/2021.

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có thông báo về Quản lý và đăng ký doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc (Lệnh 248) và Công hàm số 353/2021 của Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc về hướng dẫn triển khai đăng ký doanh nghiệp nước ngoài. Lệnh 248 có hiệu lực từ 01/01/2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục