Nhiều startup xe điện gặp khó khăn trong việc gọi vốn quy mô lớn

08:15' - 10/08/2022
BNEWS Một số công ty khởi nghiệp (startup) sản xuất xe điện thương mại đang chạy đua với thời gian để đưa các sản phẩm xe tải ra thị trường trước khi cạn vốn.

Với tham vọng trở thành công ty Tesla Inc tiếp theo, một số nhà sản xuất xe điện thương mại ở hai bờ Đại Tây Dương đã niêm yết trên sàn chứng khoán, gọi vốn được hàng trăm triệu USD để bắt chước mô hình thành công của tỷ phú Elon Musk.

 

Trong số này phải kể đến Arrival Inc, Canoo Inc, Lordstown Motors Corp, Electric Last Mile Solutions Inc (ELMS) và REE Automotive Holding Inc.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại không thực sự tin tưởng vào các startup xe điện, cũng như năng lực cạnh tranh của họ so với các hãng ô tô nổi tiếng, khiến giá trị cổ phiếu giảm mạnh.

Điều này đã tăng thêm áp lực, buộc các doanh nghiệp phải đẩy nhanh dây chuyền sản xuất nếu muốn hút vốn trong lĩnh vực mà chi phí để ra mắt một chiếc xe có thể lên tới 1 tỷ USD.

Giám đốc điều hành công ty REE Automotive của Israel Daniel Barel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa sản phẩm này đến tay khách hàng. Công ty này hiện đang để khách hàng chạy thử sản phẩm gần Detroit (Mỹ) và sẽ ra mắt một nguyên mẫu xe tải tại Anh trong tuần này.

Để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, REE đã tiếp cận các nhà cung cấp phụ tùng lớn như Axle (Mỹ) để mua động cơ điện và phanh của Brembo, một công ty của Italy.

Các công ty như EAVX và Morgan Olson, sẽ cung cấp phần thân cho xe tải của REE tại Mỹ. Điều này sẽ giúp chuyên môn hóa sản xuất một số bộ phận của xe. Tuy nhiên, thời gian đang cạn dần.

Cổ phiếu của REE đã giảm gần 90% so với giai đoạn mới ra mắt vào tháng 7/2021. Đến cuối tháng Ba, công ty có 239 triệu USD tiền mặt và dự kiến sẽ đầu tư 120 triệu USD trong năm nay để mở rộng sản xuất vào năm 2023. Giám đốc Barel khẳng định REE có đủ tiền mặt đến cuối năm 2023 và công ty đang đi đúng tiến độ để đưa sản phẩm ra thị trường.

Trên thực tế, nhiều công ty vẫn đang chật vật để tồn tại. ELMS đã nộp đơn thanh lý tài sản vào tháng Sáu, do không đủ ngân sách, trong khi Lordstown phải bán bớt tài sản cho tập đoàn Foxconn của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Giám đốc điều hành Xos Inc (Mỹ) Dakota Semler nhận định tình hình thị trường hiện tại không phải là lý tưởng để gọi vốn.

Cuộc đua đang ngày càng trở nên nóng hơn khi có sự tham gia của các thương hiệu lớn. FedEx Corp hiện có 150 xe tải điện BrightDrop tham gia giao hàng quanh Los Angeles (Mỹ). Công ty này đã đặt mua 2.500 xe tải BrightDrop của General Motors Co.

Trong khi đó, startup xe điện Bedeo (Anh), vốn đang sản xuất hệ thống truyền động cho xe tải của Stellantis NV - nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư trên thế giới, đầu năm nay tuyên bố sẽ phát triển sản phẩm xe tải riêng.

Tuy nhiên, hệ thống truyền động này chỉ vận hành được hơn 50 triệu km, khiến các nhà đầu tư lo ngại khi đem sản phẩm này cạnh tranh với xe tải điện Transit của Ford.

Do việc gọi vốn quy mô lớn rất khó tại thời điểm này, nên Bedeo sẽ bắt đầu chuyển đổi các xe tải chạy bằng dầu diesel hiện nay thông qua việc sử dụng động cơ điện gắn trong bánh xe Protean, để phương tiện có thể chạy bằng điện trong thành phố với lượng phát thải thấp. Đối với những chuyến đi dài, xe có thể chuyển sang chế độ chạy bằng dầu diesel.

Trước tình hình này, nhiều công ty khởi nghiệp xe điện đã quyết định cắt giảm chi phí. Đầu năm nay, Rivian tuyên bố với lượng tiền mặt lên tới 16 tỷ USD tính đến cuối tháng Ba, công ty sẽ đầu tư 5 tỷ USD xây nhà máy thứ hai tại Mỹ và dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động năm 2025.

Tuy nhiên, đến cuối tháng Bảy, doanh nghiệp này đã thông báo sẽ cắt giảm 6% lực lượng lao động để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã quyết định tránh niêm yết trên sàn chứng khoán để đợi tình hình thị trường cải thiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục