Nhiều thành phố châu Âu kêu gọi giới chức siết chặt quản lý nền tảng Airbnb

16:26' - 18/09/2020
BNEWS Ngày 17/9, một liên minh gồm 22 thành phố châu Âu đã kêu gọi các nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) siết chặt các quy định đối với Airbnb và các nền tảng chia sẻ phòng lưu trú ngắn hạn khác.

Liên minh trên cáo buộc những nền tảng này tăng giá thuê nhà và chèn ép dân bản địa đi nơi khác. Theo đó, đại diện các thành phố du lịch nổi tiếng như Amsterdam (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha) hay Florence (Italy) đã có cuộc gặp với Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề cạnh tranh, Margrethe Vestager, tại Paris (Pháp).

Tại cuộc họp này, các đại diện đã phản đối một khung  pháp lý "lỗi thời" vốn hạn chế sự can thiệp của các nhà chức trách đối với những nền tảng chia sẻ phòng lưu trú trong ngắn ngày.

Theo đại diện các thành phố châu Âu, EU cần có chế tài khắt khe hơn buộc những nền tảng này chia sẻ dữ liệu thuê phòng lưu trú với chính quyền sở tại như một phần trong Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số mà EU đang soạn thảo.

Ngoài ra, những thành phố này muốn Airbnb và các nền tảng khác phải chịu trách nhiệm về pháp lý trong trường hợp những người thuê nhà không tuân thủ quy định của chính quyền sở tại.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, bà Vestager nhấn mạnh sự hợp tác tốt hơn giữa các nền tảng và các nhà chức trách địa phương là điều kiện tiên quyết cho việc tăng cường Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số.

Ngày 18/9, Airbnb khẳng định vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các chính phủ và chính quyền địa phương ở châu Âu, bày tỏ ủng hộ với việc lập một khung hiệu quả và chặt chẽ hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số. Giám đốc điều hành của Airbnb, Brian Chesky, cho biết công ty của ông được xây dựng trên "nền tảng của lòng tin".

Airbnb, nền tảng cung cấp và hỗ trợ các hoạt động thuê và cho thuê phòng trực tuyến, đang vấp phải sự chỉ trích của chính quyền các thành phố châu Âu do tăng chi phí thuê nhà. Một số thành phố đã áp đặt các quy định siết chặt nhằm ngăn chặn tình trạng cho thuê nhà bất hợp pháp.

Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng nếu không có một khuôn khổ pháp lý của EU, Airbnb vẫn có thể hoạt động mà không chịu sự giám sát ngặt nghèo của các nhà chức trách bởi nền tảng này cho rằng mình là cầu nối trung gian giữa người thuê và người cho thuê.

Quan điểm này đã được hỗ trợ khi Tòa án Công lý châu Âu, tháng 12/2019, đã ra phán quyết bác bỏ yêu cầu của chính quyền thành phố Paris về việc buộc Airbnb phải đăng ký như một doanh nghiệp bất động sản truyền thống.

Sức ép từ các thành phố đối với Airbnb gia tăng trong bối cảnh hãng này đang gặp khó khăn do lượng thuê phòng giảm mạnh vì các biện pháp hạn chế để ngăn chặn COVID-19. Tháng 5/2020, Airbnb đã cắt giảm 1.900 việc làm, tương đương với 1/4 lực lượng lao động của Airbnb./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục