Nhiều tiềm năng trong lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam

14:42' - 10/11/2021
BNEWS Lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam giai đoạn này được đánh giá là rất tiềm năng, phát triển và thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2021 nhóm hội viên tổ chức trung gian thanh toán và Fintech diễn ra ngày 10/11 tại Hà Nội.
Hội nghị được tổ chức để lắng nghe, tập hợp ý kiến, hỗ trợ và phản ánh kịp thời với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý khác để tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức trung tâm thanh toán và Fintech (tài chính công nghệ).
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thông tin, dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán trung gian đang trong giai đoạn phát triển, người dân đã bước đầu chấp nhận và sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến an toàn, đảm bảo của ví điện tử, nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người dân có sự chuyển hướng từ ngoại tuyến sang không gian trực tuyến, cùng với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử và bối cảnh giãn cách xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Theo thống kê hiện nay có khoảng trên 100 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là trong tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng; trong đó có 13 tổ chức là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Hiện có khoảng trên 80.000 điểm QR code thanh toán, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp triển khai.
Các tổ chức trung gian thanh toán đã thường xuyên kiểm tra rà soát, sửa đổi bổ sung quy trình nghiệp vụ, đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao của người dân, đồng thời luôn chấp hành qhi định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động thanh toán.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được các công ty chú trọng đầu tư, nhất là thanh toán điện tử, với chất lượng được nâng cao, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 năm qua, tổng số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn vị trung gian thanh toán đã vẫn hoạt động thông suốt, an toàn hiệu quả và có những chính sách phù hợp giảm phí cho người sử dụng.
Tuy nhiên Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ ra những bất cập đối với các trung gian thanh toán như: khó khăn trong việc triển khai các biện pháp nhận biết khách hàng; khung khổ pháp lý về dịch vụ trung gian thanh toán và Fintech còn thiếu và chưa đồng bộ, do đó vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, lượng người dùng ví điện tử và các hình thức thanh toán trực tuyến ngày một gia tăng, song mức độ bao phủ còn thấp và tập trung phần lớn ở khu vực thành thị.

 

Về hệ thống cơ sở hạ tầng, điểm chấp nhận thanh toán không tiền mặt tại vùng nông thôn còn ít. Nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông. 
Cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức trung gian thanh toán, Fintech… chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín, chưa thực sự mở. 
Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài giúp các tổ chức trung gian thanh toán Việt Nam có thêm nguồn tài chính, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, tiếp nhận công nghệ hiện đại nhưng cũng tạo áp lực và cạnh tranh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong nước.
Tại hội nghị, thay mặt các trung gian thanh toán và Fintech, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/09/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.
Ông Hùng cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để quy định một cách đầy đủ, toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng liên kết trong việc phối hợp với ví điện tử, chia sẻ các thông tin nhận biết khách hàng của ngân hàng để ví điện tử có thể tinh giản được các quy trình thủ tục và thông tin khi mở ví điện tử. 
Theo ông Hùng, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định về định danh và xác thực điện tử, vì vậy ông Hùng đề  nghị cần sớm xây dựng đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác; trong đó, cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khai thác dữ liệu công dân có gắn với các yếu tố sinh trắc học trên cơ sở có sự đồng ý của khách hàng nhằm giúp các tổ chức xác thực chính xác khách hàng mở và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.
Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, khuôn khổ pháp lý liên quan đến trung tâm thanh toán và Fintech và đặc biệt ekyc (định danh khách hàng điện tử) cần được quan tâm, theo sát. Ông Hưng mong muốn phía Ngân hàng Nhà nước làm rõ về những vấn đề pháp lý liên quan đến trung tâm thanh toán và fintech, qua đó các ngân hàng thương mại cũng tiếp cận vấn đề rõ ràng hơn, giúp các trung gian thanh toán có thể triển khai dịch vụ thuận lợi nhất để phát triển ví điện tử.
Theo Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình, hiện nay về phía doanh nghiệp chưa thấy có cập nhật hay bước tiến gì mới về hành lang pháp lý cho sandbox (một kỹ thuật giúp cô lập các ứng dụng, giúp bảo vệ và không cho các phần mềm độc hại xâm nhập vào máy tính, điện thoại để hạn chế hỏng hệ thống máy hoặc rò rỉ các thông tin cá nhân). Do đó, ông Bình mong muốn có hành lang pháp lý để có cơ sở thu hút sự sáng tạo của các startup và sự đầu tư của các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài. Bởi nếu không có sự đầu tư này thì Việt Nam có thể sẽ bị “chậm chân” hơn với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Văn phòng Chính phủ chia sẻ, qua cuộc họp này có thể thấy có rất nhiều kiến nghị chính sách. Hiện nay, một số chính sách đã ban hành thì kiến nghị có thể được tiếp thu cho vào lần ban hành chính sách sau, nhưng để hiệu quả thì công ty và các doanh nghiệp nên lắng nghe, tìm hiểu chính sách ngay khi mới ở giai đoạn dự thảo, qua đó đóng góp kịp thời những ý kiến vào việc ban hành chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục