Nhiều tiềm năng xuất khẩu đến thị trường Nam Mỹ sau dịch COVID-19

22:34' - 01/10/2020
BNEWS Các nước Mercosur (Nam Mỹ) là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng truyền thống.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia trong Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam – Mercosur do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina và Brazil tổ chức tối 1/10.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin: Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm 5 nước thành viên chính thức là Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và Venezuela được thành lập từ năm 1991. Hiện Mercosur là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng cũng như một thị trường đầy tiềm năng, với hơn 275 triệu người tiêu dùng, với tổng GDP đạt 4.580 tỷ USD, chiếm 82,3% GDP của khu vực và chiếm khoảng 70% dân số Nam Mỹ.

Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mercosur đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 2,5 lần, từ 2,45 tỷ USD vào năm 2011 lên 8,68 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mercosur đạt 2,7 tỷ USD và nhập khẩu từ khu vực này đạt gần 6 tỷ USD.

Theo ông Đỗ Thắng Hải , Việt Nam đã thành lập cơ chế đối thoại với hầu hết các nước thành viên của khối Mercosur, bao gồm ủy ban liên Chính phủ, ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như Ủy ban hỗn hợp kinh tế thương mại và kỹ thuật với Brazil.

Đây là các kênh trao đổi thông tin, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, Việt Nam và các nước Mercosur  đang hướng tới việc đàm phán một Hiệp định thương mại song phương, tạo sân chơi công bằng, bình đẳng và minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam lẫn các thành viên Mercosur. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Mercosur cũng không tránh khỏi bất lợi. Trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam  - Mercosur chỉ đạt 5,53 tỷ USD, giảm 1,66% so với cùng kỳ năm 2019.

"Đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động trao đổi thương mại quốc tế. Đây sẽ cơ hội để Việt Nam nâng cao hơn nữa kim ngạch trao đổi hàng hóa với các nước Mercosur và từng bước cân bằng cán cân thương mại", ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. 

Chia sẻ về thị trường Argentina, ông Dương Quốc Thanh, Đại sứ Việt Nam tại Argentina cho biết, Việt Nam – Argentina có quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân…và đặc biệt hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển, trở thành điểm nhấn trong quan hệ của hai quốc gia.

Trong vòng 5 năm trở lại đây kim ngạch thương mại Việt Nam – Argentina luôn đạt mức xấp xỉ 3 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Argentina tại khu vực ASEAN. Dự báo, năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Argentina sẽ đạt mức 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD., chiếm khoảng 1,4% tổng nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Argentina, một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng mới chỉ chiếm từ 10-15% nhu cầu thị trường.

Do đó, dư địa xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Argentina nói riêng và khối Mercosur nói chung vẫn còn rất lớn, nhất là các mặt hàng dệt may, da giày, đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ, cà phê, tiêu, điều…

Theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Argentina (kiêm nhiệm Urugay và Paraguay) khối Mercosur là khu vực thị trường còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bởi cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và khối này mang tính bổ sung cho nhau và không cạnh tranh trực tiếp.

Các nước Mercosur có thế mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản, thức ăn chăn nuôi gia súc, nguyên liệu công nghiệp, khoáng sản trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mercosur là thiết bị điện tử viễn thông, dệt may, da giày.

Điểm đáng lưu ý là hiện nay các nước Mercosur chưa có bất cứ thỏa thuận ưu đãi thương mại nào với các quốc gia có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Chính phủ các nước thành viên Mercosur, đặc biệt là Argentina luôn đánh giá Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng ở khu vực châu Á. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Argentina.

Bà Phạm Thị Kim Hoa, Đại sứ Việt Nam tại Brazil thông tin, Brazil là thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực Nam Mỹ với quy mô dân số lên đến 200 triệu người. Trung bình mỗi năm, Brazil nhập khẩu hơn 236 tỷ USD hàng hóa; trong đó có 30% hàng hóa đến từ khu vực châu Á.

Theo Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa, Brazil đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ, ngược lại Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại Đông Nam Á.

Thời gian gần đây, các mặt hàng thủy sản, giày dép, thực phẩm chế biến, thức uống và đồ chơi Việt Nam rất được người tiêu dùng Brazil quan tâm. Mặc dù vậy, thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường này còn rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của Brazil.

Các đại sứ, thương vụ Việt Nam tại Mercosur cho rằng, sau dịch COVID-19 các quốc gia trong khu vực đều có xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là ở các quốc gia giữ được sự ổn định trong dịch bệnh.

Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng sự hiện diện tại khu vực Nam Mỹ nhằm nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục