Nhiều tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam

17:19' - 29/06/2017
BNEWS Ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đang phát đi những Nhiều tín hiệu tốt khi các bạn hàng truyền thống tăng nhập khẩu và cởi bỏ các thông lệ cũ.
Nhiều tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 6/2017, Việt Nam xuất khẩu được 2,56 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,139 tỷ USD, tăng 1,17 % về lượng và giảm 0,8% về giá trị so với cùng năm ngoái. 

Giá gạo thị trường tự do tăng

Trong 5 tháng đầu năm 2017, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam im ắng, chờ Chính phủ thực hiện kí kết các hợp đồng tập trung với các thị trường truyền thống như: Bangladesh, Philippines, Malaysia thì qua giữa tháng 6/2017, thị trường xuất khẩu gạo sôi động trở lại. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, so với thời điểm đầu tháng 6/2017, khi các thị trường tập trung như Malaysia, Bangladesh, Philippines kết thúc đàm phán nhập khẩu gạo từ Việt Nam thì giá gạo xuất khẩu tăng vọt so với giá hợp đồng với các thị trường truyền thống. 

Cụ thể, với gạo 5% tấm vụ Đông Xuân, giá gạo giao tại mạn tàu được chào ra thị trường trong thời gian này là 9.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 6/2017, ước đạt từ 405 USD - 410 USD/tấn.

Trong khi đó, giá kí kết hợp đồng tập trung với các thị trường truyền thống là 8.850 đồng/kg, giao tại mạn tàu cho thị trường Malaysia và giá 8.300 đồng–8.400 đồng/kg, với loại gạo 15% tấm giao tại mạn tàu cho thị trường Bangladesh, ước đạt 370 USD/tấn.

Như vậy, khi doanh nghiệp chào bán tự do sẽ được giá cao hơn khi thực hiện các hợp đồng tập trung này. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể bù lỗ trong 2 năm vừa qua khi giá gạo xuống thấp, ông Lâm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn Anh, đây là một dấu hiệu khởi sắc cho ngành gạo phục hồi so với 5 tháng đầu năm 2017 im ắng, tẻ nhạt. Thời gian này, hầu hết các doanh nghiệp đều bán gạo với giá thấp, loại 5% tấm có khi chỉ bán được với giá 345 USD/tấn (FOB), thì hiện nay, với giá xuất khẩu 410 USD/tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thêm động lực tìm kiếm thị trường tự do tiêu thụ gạo hiện có trong kho.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), giá gạo tại thị trường tự do tăng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo thơm và gạo nếp. Công ty Việt Hưng lại chuyên xuất khẩu các loại gạo này nên cơ hội này sẽ giúp Việt Hưng mở rộng thị trường.

Khi giá gạo thị trường tự do tăng mạnh dễ dẫn đến các doanh nghiệp không thực hiện chỉ tiêu của hợp đồng tập trung do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ và dẫn đến nhiều doanh nghiệp trả chỉ tiêu. Công ty Lương thực Miền Nam và Công ty Lương thực Miền Bắc phải nhận hết các chỉ tiêu này. Trường hợp này đã từng xảy ra khi giá gạo thị trường nội địa tăng vào năm 2009, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có lời.

Đây cũng là điều mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam phải cân nhắc khi kí kết hợp đồng tập trung và phân bổ chỉ tiêu thực hiện xuất khẩu về cho từng doanh nghiệp, để cân đối mức lỗ của các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng tập trung khi giá kí kết thấp hơn giá thị trường.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp bỏ chỉ tiêu được phân bổ thì sẽ không được giao chỉ tiêu thực hiện hợp đồng tập trung trong 1 năm tiếp theo, ông Trương Thanh Phong, nguyên Chủ tịch VFA, hiện là cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International LTd. H.K cho biết. 

Được dự thầu tự do 

Giá thị trường xuất khẩu gạo tự do tăng cao là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp nhỏ. Không những vậy, với những hợp đồng tập trung, vấn đề được tự do nộp hồ sơ dự thầu cũng là một thông tin tốt trong thời gian tới cho các doanh nghiệp.

Theo ông Trương Thanh Phong, phía Chính phủ Philipines thông báo, vào ngày 3/7/2017, họ sẽ mở thầu 250.000 tấn gạo 25% tấm. Hiện nay, họ cũng đã có 2 thay đổi lớn trong chính sách mời gọi đấu thầu gạo.

Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đều có quyền tham gia nộp hồ sơ đấu thầu chứ không giới hạn số lượng doanh nghiệp như trước đây, hoặc là Philippines sẽ theo thông lệ cũ, sau khi bên bán giao hàng xong và nộp tất cả chứng từ xuất khẩu, chờ 360 ngày sau, phía Philippines mới chuyển tiền cho bên bán.

Nhưng thị trường xuất khẩu gạo hiện nay khá khó khăn, nếu theo thông lệ cũ thì sẽ không có doanh nghiệp tham gia dự thầu vì thiếu vốn quay vòng. Do đó, phía Philippines quyết định xóa bỏ thông lệ này.

Chính sách này của Philippines khá thông thoáng, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam và khả năng tiêu thụ được gạo cấp thấp, gạo thu hoạch vụ Hè Thu và gạo tồn kho sẽ cao.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có công bố điều lệ chính thức. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải bám sát thông tin với hồ sơ dự thầu này, ông Phong nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, có ý kiến doanh nghiệp cho rằng, khi được dự thầu tự do thì dễ xảy ra cạnh tranh, để lấy được hợp đồng tập trung thì các doanh nghiệp phá giá kéo giá xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines xuống thấp, gây ảnh hưởng không tốt cho cả thị trường tập trung lẫn thị trường tự do.

Do đó, với trường hợp này, ngành xuất khẩu gạo rất cần phương án đoàn kết từ phía VFA để các doanh nghiệp không xảy ra tình trạng “gà nhà đá nhau”, bà Lý Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Khiêm Thanh (An Giang) chia sẻ.

Mặc dù vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tuy cần hợp đồng với thị trường Philippines nhưng phải bán với giá mặt bằng của cả khu vực, không để xảy ra xung đột giá bán vào thị trường này.

Trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần cạnh tranh chính là gạo 25% tấm từ các nước trong khu vực có giá 385 USD/tấn, nhất là lượng gạo từ Myanmar. Gói thầu 250.000 tấn gạo của Philippines có thể được chia thành 10 gói nhỏ và Myanmar sẽ tham gia 25.000 tấn. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam khi nhận trọng trách đấu thầu gói này bám sát và cẩn trọng với thông tin, điều lệ dự thầu, ông Lâm Tuấn Anh cho biết.

Như vậy, dù vừa qua thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam có phần yên ắng, nhưng với những biến động khả quan thị trường trong thời gian tới sẽ giúp ngành xuất khẩu gạo tươi sáng hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục