Nhiều xu hướng mới lạ xuất hiện trong mùa mua sắm cuối năm

19:00' - 22/11/2024
BNEWS Mùa mua sắm lễ hội năm 2024 diễn ra trong bối cảnh kinh tế chuyển đổi và nhiều yếu tố bất định khác, khiến cả người tiêu dùng lẫn nhà bán lẻ đều phải thận trọng.

Năm nay, ngoài việc là năm bầu cử tổng thống Mỹ, Lễ Tạ ơn đến muộn cũng là một yếu tố đáng kể, khiến thời gian giữa dịp lễ này và Giáng sinh bị rút ngắn. Sự kiện Thứ Sáu đen (Black Friday) đến muộn hơn, khiến xu hướng khuyến mãi "Black Friday sớm" trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

 

Lạm phát và triển vọng kinh tế bất ổn cũng “phủ mây đen” lên mùa mua sắm cuối năm. Mặc dù áp lực giá đã giảm bớt trong nhiều ngành hàng, người tiêu dùng vẫn phải vật lộn với chi phí cao cho các khoản thiết yếu như nhà ở và chăm sóc sức khỏe.

Để đối phó, một số nhà bán lẻ đang kết hợp văn hóa đại chúng và hoài niệm vào chiến dịch tiếp thị của họ, nhằm mang lại cảm giác thoải mái và hạnh phúc trong thời điểm lo lắng gia tăng. Các nhà bán lẻ cũng đang tìm cách tạo sự khác biệt bằng các sản phẩm độc quyền và trải nghiệm tại cửa hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng tiếp tục hướng đến việc tặng quà trải nghiệm, chẳng hạn như vé spa hoặc vé xem hòa nhạc.

Dưới đây là một số xu hướng chính cần chú ý trong dịp Black Friday, Cyber Monday (Thứ Hai điện tử) và các dịp lễ sau đó:

Xu hướng mua sắm sớm do Lễ Tạ Ơn muộn

Năm nay, Lễ Tạ ơn rơi vào ngày 28/11, muộn hơn so với Lễ Tạ ơn năm ngoái là ngày 23/11/2023, khiến người tiêu dùng có ít thời gian hơn để mua sắm nếu họ chờ đến ngày Black Friday. Các nhà bán lẻ đang rất nỗ lực thu hút những người tìm kiếm ưu đãi sớm. Target là một trong số rất nhiều nhà bán lẻ đang tìm cách chiếm lĩnh thị phần người mua sắm trước Lễ Tạ ơn. Walmart, Amazon, Best Buy và những nhà bán lẻ khác cũng tung ra các ưu đãi sớm cho TV, đồng hồ công nghệ cao và các mặt hàng có giá trị tương đối lớn khác.

Mặc dù các chương trình khuyến mãi bắt đầu sớm, nhưng liệu người tiêu dùng có thực sự thay đổi thói quen chi tiêu hay không vẫn còn phải chờ xem. Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF), mặc dù khởi động sớm, nhưng phần lớn người tiêu dùng (62%) dự kiến sẽ hoàn tất việc mua sắm vào tháng 12/2024. Liên đoàn này cũng dự đoán tổng chi tiêu cho kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ tăng từ 2,5% đến 3,5% so với năm 2023.

Nghiên cứu của Deloitte cho thấy phần lớn hoạt động mua sắm dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 11/2024, bất chấp sự quan tâm mạnh mẽ hơn đáng kể của người tiêu dùng đối với việc mua sắm trong tháng 10/2024. 68% người tiêu dùng cho biết họ dự kiến sẽ mua sắm trong tuần lễ Tạ Ơn, tăng nhẹ so với 66% của năm ngoái. Con số này bao gồm 47% cho biết họ dự định mua sắm vào dịp Black Friday (so với 31% năm ngoái) và 43% cho biết họ dự kiến mua sắm vào dịp Cyber Monday (so với 31% năm 2023).

Kết hợp ưu đãi với sự tiện lợi khi mua sắm

Việc săn lùng ưu đãi sớm cũng là biểu hiện của áp lực kinh tế mà nhiều người tiêu dùng cho biết họ đang cảm nhận sau một thời gian dài lạm phát giá cả nhiều nhu yếu phẩm cơ bản. Báo cáo của Deloitte cho thấy mặc dù người tiêu dùng lạc quan về nền kinh tế, nhưng họ vẫn dự kiến sẽ thận trọng trong chi tiêu trong năm nay. Nhiều người tiêu dùng cũng sẽ cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách chuyển sang các thương hiệu giá cả phải chăng hơn hoặc mua sắm tại các nhà bán lẻ có giá cả hợp lý hơn.

Các nhà bán lẻ giá rẻ như Dollar General đang tìm cách tận dụng những thay đổi này bằng cách cung cấp cả giá trị và sự tiện lợi. Deloitte dự đoán rằng mua sắm trực tuyến sẽ tăng 7% đến 9% so với năm trước, một phần là do người tiêu dùng tìm kiếm các ưu đãi tốt nhất, nhưng cũng do sự tiện lợi của việc mua sắm tại nhà hoặc văn phòng.

Hàng độc quyền, trải nghiệm tại cửa hàng

Hội đồng Trung tâm Mua sắm Quốc tế (ICSC) đưa ra triển vọng lạc quan cho việc mua sắm tại cửa hàng trong mùa mua sắm này. ICSC dự đoán rằng người tiêu dùng sẽ tìm kiếm các ưu đãi và giảm giá độc quyền tại các cửa hàng truyền thống. Nghiên cứu của ICSC cho thấy 92% người mua sắm sẽ chi tiêu tại một cửa hàng truyền thống, đồng thời lưu ý rằng các địa điểm bán lẻ truyền thống và mua sắm trực tuyến sẽ bổ sung cho nhau vì gần như tất cả người mua sắm tại cửa hàng cũng cho biết họ có kế hoạch mua hàng trực tuyến từ trang web của cùng một nhà bán lẻ.

Macy’s đang đẩy mạnh các loại quà tặng độc quyền và trải nghiệm tại cửa hàng, bao gồm các sự kiện, trưng bày cửa sổ mang tính biểu tượng... Năm 2024, tại địa điểm hàng đầu của hãng bán lẻ này ở Quảng trường Herald, thành phố New York, Macy's lần đầu tiên tổ chức một chợ lễ hội do Urbanspace - nhóm đã tạo ra một số chợ lễ hội nổi tiếng nhất của thành phố ở Quảng trường Union, Vòng xoay Columbus và Công viên Bryant - lắp đặt.

Hội chợ này, được đặt tên là Quảng trường Lễ hội Macy's (Macy’s Holiday Square), sẽ có nhiều loại sản phẩm, quà tặng ngày lễ, đồ ăn và thức uống từ hơn 30 doanh nghiệp địa phương. Các sản phẩm bao gồm đồ trang trí cá nhân, đồ trang sức, văn phòng phẩm thủ công, nến, phụ kiện trang trí... Người phát ngôn của Macy's cho biết thêm nhiều gian hàng pop-up sẽ được thiết lập bắt đầu từ ngày 6/12.

Văn hóa đại chúng và nỗi nhớ về các chiến dịch quảng cáo ngày lễ

Các ngày lễ cuối năm thường gắn liền với sự hoài niệm và nhiều chiến dịch tiếp thị năm nay dựa vào những thông điệp theo mùa đã được thử nghiệm, kết hợp các tài liệu tham khảo văn hóa đại chúng quen thuộc từ những năm trước. Các thông điệp tìm cách tạo ra cảm giác hạnh phúc giữa thời điểm lo lắng, bao gồm chiến dịch tranh cử tổng thống gây chia rẽ, kinh tế bấp bênh và bất ổn đang diễn ra trên khắp thế giới.

Chẳng hạn Walmart đã khởi động chiến dịch quảng cáo ngày lễ bằng một đoạn quảng cáo truyền hình dài 30 giây với các trích đoạn mang lại cảm giác dễ chịu từ các chương trình truyền hình ăn khách lâu năm, bao gồm “Gilmore Girls”, “The Simpsons”, “SpongeBob SquarePants” và “National Lampoon’s Christmas Vacation”.

Trong khi đó, JCPenney đã và đang phát sóng một chiến dịch quảng cáo có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng, bao gồm cựu ngôi sao bóng rổ Shaquille O’Neal, nhân vật truyền hình kiêm doanh nhân Martha Stewart, nữ diễn viên Gabrielle Union, ca sĩ nhạc đồng quê Walker Hayes và người sáng tạo nội dung nấu ăn Jenny Martinez. Chiến dịch “Really Big Deal” kéo dài 16 tuần tiết lộ một loạt chương trình khuyến mãi mới về thời trang, đồ gia dụng và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp mỗi tuần.

Chi tiêu cho trải nghiệm vượt xa quà tặng truyền thống

Nghiên cứu của Deloitte nêu bật sức hấp dẫn ngày càng tăng của việc tạo ra trải nghiệm ngày lễ dành để chia sẻ giữa bạn bè và gia đình. Đây là hạng mục chi tiêu cho ngày lễ đang phát triển nhanh hơn so với việc mua quà tặng truyền thống. Nghiên cứu cho thấy chi tiêu cho trải nghiệm dự kiến sẽ tăng 16% trong năm nay và người tiêu dùng cũng cho biết họ dự định chi tiêu nhiều hơn 9% trong năm nay cho các giao dịch mua không phải quà tặng như trang phục và đồ trang trí ngày lễ.

Theo nghiên cứu của Circana, ngoài việc tăng cường tham gia vào các trải nghiệm, người tiêu dùng cũng đang tặng quà trải nghiệm cho người khác. Báo cáo về Ý định Mua hàng Kỳ nghỉ lễ năm 2024 của Mỹ của công ty cho thấy 55% người tiêu dùng có kế hoạch mua một món quà trải nghiệm trong mùa lễ này, tăng 2% so với năm ngoái. Trải nghiệm ẩm thực được xếp hạng là món quà hàng đầu trong danh mục này (được 44% người lựa chọn), tiếp theo là vé tham dự sự kiện hay các buổi biểu diễn (được 27% người lựa chọn).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục