Nhiều ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

12:15' - 13/07/2020
BNEWS Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, với người lao động đi nước ngoài làm việc thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng

Sáng 13/7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Dự án luật này đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và thảo luận tại Hội trường. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Điều 1 dự thảo Luật được chỉnh lý như sau: Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động sau khi về nước; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban thống nhất quy định về vốn điều lệ với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vì Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về vốn điều lệ, không quy định về vốn chủ sở hữu.

Theo đó, vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ đồng là một trong những điều kiện bắt buộc để một doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cho ý kiến về nội dung này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với số vốn tối thiểu doanh nghiệp phải có để được cấp phép hoạt động dịch vụ là 5 tỷ đồng. Quy định như vậy để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên, sử dụng khái niệm vốn điều lệ hay vốn chủ sở hữu thì còn ý kiến khác nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tế có 4 khái niệm về vốn: Vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, vốn pháp định, vốn tự có. Vốn điều lệ là vốn ghi trong điều lệ khi hình thành doanh nghiệp để hoạt động theo đúng điều lệ của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu là vốn thực tế hình thành. Vốn điều lệ có thể được ghi rất cao, nhưng vốn chủ sở hữu có thể thấp hơn.

Quy định về vốn chủ sở hữu không mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp, đồng thời giúp nắm được số vốn thực tế của doanh nghiệp. Nếu cần thiết có thể quy định thêm khái niệm vốn chủ sở hữu trong dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về một loại vốn là vốn điều lệ, không có khái niệm vốn chủ sở hữu. Nhà nước quản lý cũng theo vốn điều lệ của doanh nghiệp. Nếu dự thảo luật này quy định vốn chủ sở hữu sẽ có độ vênh nhất định với Luật Doanh nghiệp, đặt ra một khái niệm mới.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, quy định về vốn chủ sở hữu khác một chút so với Luật Doanh nghiệp nhưng Luật Kế toán cũng đưa ra khái niệm này.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ là vốn do doanh nghiệp tự khai báo, có thể doanh nghiệp khai báo rất cao nhưng thực tế có thể không như vậy. Còn vốn chủ sở hữu thì cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát thường xuyên được.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, với người lao động đi nước ngoài làm việc thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng. Vốn chủ sở hữu chính là bảo đảm về pháp lý để nếu xảy ra vấn đề gì thì nhà nước có quyền yêu cầu sử dụng vốn này để đáp ứng yêu cầu xử lý, hỗ trợ người lao động.

Thực tế 12 năm qua cũng không có vấn đề gì phát sinh liên quan tới vấn đề này. Hơn nữa, khi lấy ý kiến các doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng nhất trí sử dụng khái niệm vốn chủ sở hữu để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tiếp thu các ý kiến phát biểu, ghi thêm “vốn chủ sở hữu”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh đến vấn đề chính sách của Nhà nước hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng thì cũng phải làm rõ vì vấn đề này liên quan tới việc thu hút nguồn nhân lực này khi về nước để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Về đối tượng áp dụng (Điều 2, Điều 5), một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ hơn về đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Thường trực Ủy ban cho rằng, các địa phương thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Ủy ban khảo sát, lấy ý kiến đều giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm vì sẽ phát sinh chi ngân sách, nhân lực của Nhà nước; chưa sát với tinh thần của Nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công, xã hội hóa dịch vụ công và ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của doanh nghiệp...

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Trung tâm dịch vụ việc làm không phải cơ quan quản lý nhà nước, đây là cơ quan dịch vụ sự nghiệp…/.

>>>Thủ tướng yêu cầu đưa ngay người lao động tại Guinea Xích Đạo về nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục