Nhìn lại một năm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm qua với những màn trả đũa theo kiểu “ăn miếng trả miếng” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế quan mới đối với hai mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn đang tiếp tục diễn ra tại Thủ đô Washington trong bối cảnh căng thẳng leo thang trở lại.
*Washington châm ngòi, Bắc Kinh nhượng bộ
Ngày 8/3/ 2018 Tổng thống Mỹ Trump công bố sẽ áp mức thuế quan 25% đối sản phẩm thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu trong nỗ lực nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các nước.
Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với hai sản phẩm trên, cung cấp khoảng 2% sản lượng thép và 10% nhôm nhập khẩu của Mỹ.
Trước ngày áp dụng mức thuế quan mới đối với thép và nhôm nhập khẩu, Tổng thống Trump công bố hoãn việc áp mức thuế quan trên đối với một số quốc gia, nhưng không bao gồm Trung Quốc.
Đáp trả hành động trên của Mỹ, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thuế 15-25% đối với danh sách 128 sản phẩm của Mỹ, bao gồm thịt lợn và trái cây, nếu đàm phán với Washington thất bại.
Ngày 3/4/2018 , Washington công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 triệu USD sẽ bị áp thuế của Mỹ, trong đó có mặt hàng điện tử, phụ tùng máy bay và thuốc với cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Mỹ cho rằng Washington đang chịu thua thiệt do Trung Quốc ép buộc các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ.
Về phía Trung Quốc, mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu tương, ô tô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, hai nước đã công bố một thỏa thuận dự thảo vào ngày 19/5/2018, theo đó Bắc Kinh đồng ý giảm thặng dư thương mại "đáng kể" với Mỹ. Trung Quốc cho biết sẽ giảm mức thuế quan đối với hàng nhập ô tô, quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm và cá.
Tới ngày 6/6/2018, Bắc Kinh đề nghị mua thêm gần 70 tỷ USD hàng hóa Mỹ nếu Washington không áp thuế quan đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Những đòn trả đũa thuế quan lẫn nhau đã tác động tới nền kinh tế của cả hai cường quốc này. Đối với Mỹ, các chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Mỹ sẽ phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng do tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Trung Quốc đang đánh mất đà tăng trưởng vì phải đối mặt với cuộc chiến thương mại với Mỹ, gia tăng các khoản nợ lớn và đồng nội tệ giảm giá.
* Căng thẳng leo thang
Bất chấp những nỗ lực nhượng bộ từ phía Bắc Kinh, Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chính sách áp thuế của mình và ngày 6/7/2018, Mỹ đã áp mức thuế 25% đối với khoảng 34 tỷ USD hàng máy móc, thiết bị điện tử và thiết bị công nghệ cao của Trung Quốc.
Đáp lại, Bắc Kinh lần lượt áp dụng mức thuế quan với quy mô và phạm vi tương đương đối với hàng nông sản, xe hơi và thủy sản của Mỹ.
Trung Quốc đã khiếu nại việc Mỹ đánh thuế tại WTO và cho rằng Mỹ đã vi phạm những quy định đã thống nhất của tổ chức quốc tế này.
Ngày 23/8/2018, Mỹ áp dụng thuế quan đối với 16 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.Ngược lại, Trung Quốc áp dụng mức thuế 25% đối với 16 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, bao gồm xe máy Harley-Davidson, rượu bourbon và nước cam.
Khoảng một tháng sau đó, Washington đã đánh thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc và Bắc Kinh cũng áp thuế quan đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ.
*Thỏa thuận "đình chiến"
Ngày 1/12/2018, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý với một thỏa thuận đình chiến thương mại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina.
Washington trì hoãn việc tăng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong ba tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Trung Quốc cũng đồng ý mua một lượng hàng hóa "rất đáng kể" của Mỹ.
Vài tuần sau đó, Trung Quốc thông báo sẽ trì hoãn việc áp thuế quan thêm đối với ô tô và phụ tùng ô tô do Mỹ sản xuất trong ba tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, đồng thời cho phép nhập khẩu gạo của Mỹ. Tháng 1 và tháng 2/2019, Bắc Kinh và Washington bắt đầu tiến hành các vòng đàm phán thương mại.
Ngày 25/2/2019, Tổng thống Trump hoãn kế hoạch áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc dự kiến bắt đầu ngày 1/3 do tuyên bố hai bên đạt được những tiến bộ.
Việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận ngừng tăng thuế, tiếp tục đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại không chỉ là tín hiệu tích cực đối với quan hệ Mỹ-Trung mà còn là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, những phản ứng từ Nhà Trắng lại cho thấy thâm hụt cán cân thương mại và lợi ích kinh tế không phải vấn đề duy nhất khiến mối quan hệ hai nước bất đồng, bởi lâu nay Mỹ vẫn yêu cầu Trung Quốc phải có những thay đổi quyết liệt về mặt cấu trúc.
Do đó, thỏa thuận “đình chiến thương mại” này được cho không phải là một giải pháp dài lâu, các vấn đề sâu xa, phức tạp cản trở hai bên “bắt tay hòa hoãn” vẫn còn nguyên vẹn. Đó là lý do mà tranh chấp thương mại Mỹ-Trung cho tới nay vẫn luôn là câu chuyện dài kỳ và phức tạp.
*Cuộc chiến thương mại lại "nóng" lên
Ngày 5/5/2019, vài ngày trước khi các cuộc đàm phán thương mại vòng 11 bắt đầu tại Washington, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế quan lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung vào ngày 10/5, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc khi cho rằng quá trình đàm phán vẫn "tiếp diễn, nhưng quá chậm” và Trung Quốc tìm cách đàm phán lại những cam kết đạt được trong các cuộc đàm phán trước đó.
Phía Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo họ sẽ không chịu áp lực trước các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vào ngày 9/5 và sẽ đưa ra các biện pháp đối phó cần thiết.
Ngày 9/5 vừa qua, Washington và Bắc Kinh tiếp tục vòng đàm phán thương mại có tính chất quyết định “được ăn cả, ngã về không” nhằm đạt được một thỏa thuận trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” sau tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10/5.
Đặc phái viên Thương mại của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đã quay trở lại bàn đàm phán diễn ra tại thủ đô Washington trong bầu không khí căng thẳng với sức ép lớn khi các nhà đàm phán Mỹ cáo buộc Trung Quốc "quay lưng" lại các cam kết đã đạt được trong các vòng đàm phán trước đây.
Ngày 9/5 các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc ngày đàm phán đầu tiên trong kế hoạch 2 ngày của vòng tham vấn kinh tế và thương mại cấp cao lần thứ 11 diễn ra tại Washington và hai bên sẽ gặp lại nhau trong ngày 10/5. Tuy nhiên, cả hai bên đều không tiết lộ thông tin với báo giới khi rời phòng họp.
Quyết định của Tổng thống Mỹ áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 10/5.
Có thể nói hai bên đang bước vào “cuộc đọ sức” quyết liệt để thăm dò “điểm giới hạn” của nhau và chắc chắn rằng những bất đồng, khác biệt trong những “vấn đề gai góc” giữa hai cường quốc kinh tế thế giới này khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ chính thức tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc
11:12' - 10/05/2019
Từ 00h01' theo giờ Mỹ ngày 10/5 (11h01' theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) bắt đầu thu thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
-
Kinh tế Thế giới
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa lớn nền kinh tế toàn cầu
07:54' - 10/05/2019
Căng thẳng thương mại và việc trả đũa thông qua các biện pháp thuế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ lợi ích trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
18:50' - 09/05/2019
Trong tuyên bố mới nhất ngày 9/5, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh đã hoàn toàn sẵn sàng bảo vệ lợi ích của nước này trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc họp với các công ty tư nhân nhằm ứng phó với thuế quan của Mỹ
19:08'
Động thái này diễn ra khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả đến cùng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế bổ sung 50% lên hàng hóa từ Trung Quốc.
-
Kinh tế Thế giới
Hàn Quốc chi bổ sung 6,8 tỷ USD ứng phó thuế quan của Mỹ
16:38'
Ngày 8/4, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok tuyên bố chính phủ nước này sẽ công bố chi tiết về ngân sách bổ sung được đề xuất trị giá 10.000 tỷ won (6,8 tỷ USD) vào tuần tới.
-
Kinh tế Thế giới
Quan chức Fed cảnh báo nguy cơ lạm phát “nóng” trở lại
15:35'
Chủ tịch Fed chi nhánh bang Chicago, ông Austan Goolsbee cho biết giới doanh nghiệp đang ngày càng lo ngại các mức thuế mới có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến áp lực lạm phát quay trở lại.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Nhật Bản và Malaysia cử quan chức tới Washington để đàm phán
15:23'
Liên quan đến thuế quan mới của Mỹ, Chính phủ Nhật Bản và Malaysia sẽ cử các quan chức tới Washington để bắt đầu đàm phán về mức thuế mới mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố.
-
Kinh tế Thế giới
Vận tải biển Trung Quốc có thể đối mặt với nguy giảm lợi nhuận nghiêm trọng
14:53'
Các công ty vận tải biển Trung Quốc có thể đối mặt với nguy giảm lợi nhuận nghiêm trọng khi các biện pháp thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đe dọa gây tổn hại nặng nề cho thương mại toàn cầu.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Cuộc chiến thương mại toàn diện và suy thoái kinh tế
14:43'
Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao hàng hóa nhập khẩu có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn diện đẩy nhiều nền kinh tế vào suy thoái.
-
Kinh tế Thế giới
Ấn Độ đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của Apple
13:45'
Ấn Độ đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng của Apple, nằm trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của công ty nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ quyết không dừng thuế quan bất chấp thị trường bán tháo
11:32'
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo lộn kinh tế thế giới vào tuần trước với các biện pháp thuế quan diện rộng.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ: Châu Phi phản đối mạnh mẽ chính sách thuế mới
11:23'
Liên minh châu Phi (AU) đã phản đối mạnh mẽ chính sách thuế mới của Mỹ, cho rằng các mức thuế cao này sẽ làm xói mòn hàng chục năm hợp tác và trao đổi thương mại giữa hai bên.