Nhìn lại thị trường chứng khoán toàn cầu sau một năm nhiều sóng gió

10:07' - 31/12/2018
BNEWS Ngày 31/12, chứng khoán châu Á tràn sắc xanh giữa bối cảnh giới đầu tư lạc quan về cơ hội cải thiện căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Dù vậy, một chút “tia sáng” trong ngày giao dịch cuối cùng của năm 2018 vẫn là chưa đủ để vực dậy các thị trường sau một năm nhiều sóng gió.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức ngày 13/6/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cụ thể, chỉ số MSCI của thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã tăng 0,2% trong buổi sáng 31/12. Dù tăng điểm trong phiên giao dịch này song MSCI vẫn “về đích” ở mức giảm 16% trong cả năm 2018.

Trong khi đó, chỉ số hợp đồng tương lai E-Mini S&P 500 cũng tiến 0,68% còn chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ ở mức giảm 12% trong cả năm.

Sự tự tin của giới đầu tư trong phiên 31/12 được thắp sáng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã có một cuộc đàm phán về thương mại rất tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29/12 và cho hay hai nhà lãnh đạo đã đạt được những tiến bộ lớn.

Tuy nhiên, giới truyền thông của Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng hơn khi đăng tin Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng rằng cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ về đích và một thỏa thuận có lợi song phương sẽ đạt được.

Năm qua, nếu xét các thị trường châu Á, có lẽ nhóm cổ phiếu Bluechip của Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất khi để mất đến 25% giá trị cổ phiếu. Trong khi đó, với chỉ số BSE tăng gần 6%, Ấn Độ là thị trường lớn duy nhất “sinh lời” trong năm.

Trên khắp các thị trường toàn cầu cũng chứng kiến tình trạng các nhóm chỉ số chứng khoán lớn đồng loạt chìm trong “sắc đỏ”. Chỉ tính trong tháng 12, chỉ số S&P500 đã giảm gần 10% - mức tồi tệ nhất được ghi nhận kể từ tháng 2/2009.

Robert Michele, Giám đốc Đầu tư đồng thời là người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản có thu nhập cố định tại J.P. Morgan Asset cho hay: “Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, song chúng tôi (J.P. Morgan) vẫn chưa nhìn thấy tương lai một cuộc suy thoái sắp diễn ra”.

Theo quan chức này, các chính sách nhằm “bình thường hóa” nền kinh tế sau chặng đường 3 năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một phần nguyên nhân sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu tránh được kịch bản rơi vào suy thoái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục