Nhu cầu chiến lược của EU - Bài 3: Quan hệ đối tác chưa hoàn thiện

06:30' - 18/05/2025
BNEWS Zambia có chính xác những gì châu Âu đang tìm kiếm ở các đối tác nguyên liệu thô: nhiều loại nguyên liệu thô quan trọng, một hệ thống dân chủ và sự ổn định chính trị.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ô tô ở châu Âu. Ảnh: TTXVN

Theo bài viết của Quỹ Khoa học và Chính trị Đức, việc mở rộng ngành khai khoáng của Zambia nhằm mục đích củng cố các công ty địa phương và thúc đẩy chuỗi cung ứng. Những mục tiêu đó được nêu trong Kế hoạch phát triển quốc gia lần thứ tám (8NDP) và chiến lược khai thác khoáng sản quan trọng (CRM) mới. Nhưng ưu tiên hiện tại của chính phủ là thu hút đầu tư khai khoáng thay vì thực hiện các dự án chính sách công nghiệp đầy tham vọng.

Tuy nhiên, các hiệp hội công nghiệp địa phương đang tạo ra động lực mới. Họ đã thành công trong việc vận động nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ địa phương. Họ cũng kêu gọi thiết lập "thỏa thuận chia sẻ sản xuất" (PSA), theo đó các công ty khai thác sẽ phải phân bổ 30% sản lượng của họ để chế biến hoặc sản xuất tại địa phương. Điều này đặc biệt áp dụng đối với ngành công nghiệp đồng của Zambia. PSA nhằm mục đích cung cấp cho các nhà sản xuất địa phương cơ hội tăng cường tham gia vào các công đoạn sản xuất, qua đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh của họ so với các nhà sản xuất châu Á. Về lâu dài, mô hình này dự kiến cũng sẽ chứng minh được lợi ích đối với các nguyên liệu thô khác.

Hiện tại, hoạt động chế biến tại địa phương ở Zambia vẫn không khả thi về mặt kinh tế đối với nhiều loại khoáng sản (trừ đồng), vì chúng chỉ được sản xuất với khối lượng quá nhỏ. Nhưng trong khu vực Cộng đồng Phát triển Nam Phi giàu tài nguyên, tiềm năng hợp tác là rất tốt, đặc biệt là dọc theo chuỗi giá trị đối với vật liệu pin điện. Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đã khởi động một sáng kiến chung để sản xuất các tiền chất và linh kiện cho xe điện. Mặc dù hai nước đã ký biên bản ghi nhớ vào năm 2022 và Mỹ cam kết hỗ trợ, nhưng tiến độ thực hiện sáng kiến này đã bị đình trệ do lợi ích quốc gia khác nhau, chuyên môn hạn chế và điểm yếu về mặt thể chế. 

* Hợp tác EU-Zambia: Một quan hệ đối tác chưa hoàn thiện

Zambia có chính xác những gì châu Âu đang tìm kiếm ở các đối tác nguyên liệu thô: nhiều loại nguyên liệu thô quan trọng, một hệ thống dân chủ và sự ổn định chính trị. Biên bản ghi nhớ năm 2023 đã đặt nền móng cho quan hệ hợp tác giữa hai bên. Giờ đây, trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, sự hợp tác này cần phải tiến triển nhanh hơn nữa. EU phải phát triển sâu rộng hơn quan hệ đối tác với Zambia. 

 

Có hai yếu tố làm phức tạp nỗ lực này. Đầu tiên là sự thiếu gắn kết chiến lược trong khuôn khổ "Nhóm châu Âu". Trong khi các quốc gia thành viên như Phần Lan và Thụy Điển đang đóng vai trò tích cực, thì các quốc gia mạnh hơn về kinh tế như Pháp và Đức lại thể hiện sự kìm hãm. Hơn nữa, sự phối hợp giữa Brussels, các quốc gia thành viên và các phái đoàn EU trên thực địa rất tốn thời gian và thường không tập trung. Sự phân mảnh về mặt thể chế này khiến Zambia khó nắm bắt được cách thức hoạt động của EU, đồng thời nó cũng cản trở sự hợp tác nội khối EU.

Thứ hai, việc EU hạn chế thiết lập các dự án công nghiệp tại địa phương ngày càng gây bất lợi cho liên minh này trong cuộc đua giành quan hệ đối tác với Zambia. Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh đang trực tiếp đáp ứng nhu cầu đầu tư của các quốc gia Nam bán cầu, do đó các nước này thường định vị mình là những đối tác hấp dẫn hơn. Ngược lại, EU tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy các ngành công nghiệp của riêng mình, làm bỏ lỡ cơ hội thu hút các quốc gia giàu tài nguyên như Zambia. Nếu không có các giải pháp phù hợp, EU có nguy cơ đánh mất uy tín và các quan hệ đối tác nguyên liệu thô có thể sẽ chỉ mang lại kết quả hạn chế mà thôi.

* Cơ sở hạ tầng và hợp tác công nghiệp: Việc thực hiện là chìa khóa

Hợp tác công nghiệp là một trong những cam kết quan trọng nhất mà EU đã đưa ra cho Zambia. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, việc thực hiện lại là mắt xích yếu nhất, đặc biệt là về phát triển cơ sở hạ tầng, điều vốn cần thiết để tạo thuận lợi cho khai thác tài nguyên và mở đường cho nhiều dự án công nghiệp khác. EU có công cụ riêng để thúc đẩy các cam kết như vậy ở các quốc gia đối tác, đó là sáng kiến "Cửa ngõ toàn cầu" . Tuy nhiên tại Zambia, tiến độ thực hiện các cam kết diễn ra rất chậm và do đó EU ngày càng bị "hụt hơi" so với Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh.

Sự chú ý đặc biệt đang tập trung vào kế hoạch hội nhập của Zambia vào Hành lang Lobito - một dự án do Mỹ khởi xướng và được EU ủng hộ. Dự án tổng thể (liên quan đến cả Angola và DRC) tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ chính quyền Mỹ hiện tại, đặc biệt là trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về thỏa thuận "đổi khoáng sản lấy an ninh" với DRC. Trong khi Chính phủ Zambia vẫn cam kết với kế hoạch này, thì việc mở rộng tuyến đường sắt theo kế hoạch cần khoản đầu tư mới rất lớn. Cho đến nay, EU vẫn chưa đưa ra cam kết tài chính chắc chắn, dự án cũng khó có thể được thực hiện nếu không có nguồn tài trợ đáng kể từ Mỹ. 

Với Mỹ, hiện chưa rõ liệu Zambia có mang lại đủ giá trị chiến lược cho Washington hay không và liệu sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc tại Zambia sẽ khuyến khích hay ngăn cản sự hợp tác từ Mỹ. Trong khi đó, cho đến nay EU vẫn chưa hỗ trợ việc mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng cho ngành khai khoáng và kim loại của Zambia.

Một vấn đề khác là chỉ có một số ít nỗ lực hợp tác đang được tiến hành trong lĩnh vực nguyên liệu thô. Zambia hy vọng vào các khoản đầu tư và sự tham gia vào hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, nhưng các đề nghị từ EU rất hạn chế và cách xa nhau. Quy chế "dự án chiến lược" được quy định trong Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng của EU có thể đóng vai trò là đòn bẩy để tạo ra sự quan tâm của các công ty châu Âu đối với các quốc gia đối tác như Zambia. Tuy nhiên, hiện công cụ này không có nhiều tác động tích cực. Cho đến nay, Ủy ban châu Âu (EC) mới chỉ công bố danh sách các dự án tại các quốc gia thành viên EU đã nhận được quy chế này. Trong khi đó, sự quan tâm của các công ty khai thác mỏ tại Zambia là rất thấp, một phần là do thiếu thông tin, phần khác là do các ưu đãi tài chính và cơ chế hỗ trợ không đủ. 

Đây không phải là trường hợp cá biệt mà nó cho thấy sự do dự đầu tư chung của châu Âu tại các quốc gia giàu tài nguyên ở Nam bán cầu. Tại các quốc gia này, đầu tư thường được coi là đặc biệt rủi ro, bất kể tình hình thực tế như thế nào. Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cao và sự không chắc chắn về các quy định, như ở Zambia, càng làm trầm trọng thêm sự do dự. Tiềm năng kinh tế của các hoạt động công nghiệp ngoài khai thác sơ cấp (chẳng hạn như hoạt động tái chế hoặc thu hồi tài nguyên từ chất thải) không được tính đến. Và sự hiện diện rất hạn chế của ngành công nghiệp châu Âu tại các quốc gia như Zambia cũng lại là một trở ngại nữa.

Sự tích hợp chuỗi cung ứng cũng có thể được cải thiện thông qua các thỏa thuận mua bán: các công ty EU có thể trực tiếp mua nguyên liệu thô chiến lược từ các dự án của Zambia, bỏ qua các nền tảng giao dịch không minh bạch và các nhà chế biến của Trung Quốc. Về phần mình, các tổ chức nhà nước Zambia ngày càng đóng vai trò như những đối tác trong bối cảnh nhà nước muốn tham gia tích cực hơn trong lĩnh vực này, thông qua việc có cổ phần trong các dự án khai thác mới và liên doanh với công ty thương mại hàng hóa Thụy Sĩ Mercuria.

Tiếp theo: Nhu cầu chiến lược của EU - Bài cuối: Những động lực quan trọng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục