Nhu cầu chiến lược của EU - Bài cuối: Những động lực quan trọng

06:30' - 18/05/2025
BNEWS Cho đến nay, EU chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ khảo sát địa chất tại Zambia. Nhiều đối tác quốc tế khác cũng đang hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Theo bài viết của Quỹ Khoa học và Chính trị Đức, trong trung và dài hạn, hoạt động chế biến sau khai thác thô tại địa phương của Zambia sẽ trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là khi quá trình phát triển các dự án sản xuất pin ở khu vực phía Nam châu Phi được tiến hành. Khi đó, châu Âu sẽ có thể được cung cấp nhiều sản phẩm sau chế biến hơn từ khu vực này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang ưu tiên các ngành công nghiệp của riêng họ và ít đầu tư vốn cho các dự án ở Nam bán cầu. Do đó, vẫn còn thiếu các động lực để khuyến khích đầu tư nhiều hơn từ khu vực tư nhân. 

Mặc dù các sáng kiến do EU tài trợ như AfricaMaVal (nhằm xây dựng quan hệ đối tác EU-châu Phi về chuỗi giá trị nguyên liệu thô bền vững), hoặc các nghiên cứu về tiềm năng kinh tế của ngành công nghiệp đồng, có vai trò rất quan trọng, nhưng chúng đều không phải là giải pháp thay thế cho việc tiếp cận thị trường thực tế.

Hợp tác kỹ thuật - nghĩa là xây dựng năng lực và thúc đẩy các tiêu chuẩn xã hội-sinh thái - giúp EU khác biệt với các quốc gia khác như Trung Quốc và vùng Vịnh. Thông qua loại quan hệ đối tác này, EU đã định vị mình là một đối tác quan trọng trong dài hạn. Trên thực tế, các thể chế mạnh mẽ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ châu Âu.

 

Cho đến nay, EU chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ khảo sát địa chất tại Zambia. Nhiều đối tác quốc tế khác cũng đang hoạt động trong lĩnh vực này. Nhưng để thu hút đầu tư và đạt được những cải thiện về mặt cấu trúc trong lĩnh vực khai khoáng, cần có một cách tiếp cận có mục tiêu hơn đối với việc thúc đẩy các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Mặc dù hiện tại Chính phủ Zambia không ưu tiên các quy định hoặc thực thi chúng, nhưng họ đã thể hiện sự cởi mở với sự thay đổi.

Trong lĩnh vực này, với kinh nghiệm của mình, EU có thể hỗ trợ chính quyền sở tại. Về phía Zambia, ủy ban quản lý khoáng sản mới dự định sẽ thúc đẩy việc quản lý tốt hơn, trong đó có việc chú ý hơn các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Ngoài ra, công ty khai khoáng nhà nước ZCCM-IH có kế hoạch xây dựng một chiến lược dựa trên các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp bền vững, có thể giúp tạo ra động lực đáng kể cho sự phát triển của toàn bộ ngành khai khoáng.

Cho đến nay, vẫn chưa có sự hợp tác thực sự nào giữa Zambia và EU về việc thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương và chuỗi cung ứng hạ nguồn. Vẫn chưa rõ liệu EU có nghiêm túc theo đuổi việc hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực hay không - ví dụ thông qua việc hỗ trợ các dự án sản xuất pin điện. Nếu đây thực sự là một mục tiêu chiến lược, EU cần hợp tác với nhiều cơ quan của Zambia hơn, đặc biệt là Bộ Thương mại và Công nghiệp Zambia - cơ quan chịu trách nhiệm về chiến lược công nghiệp quốc gia và xây dựng các ngành công nghiệp chế biến cạnh tranh.

* Động lực hướng tới việc tăng cường quan hệ đối tác nguyên liệu thô

Zambia hiện là trung tâm của ngoại giao nguyên liệu thô quốc tế. Rủi ro ở đây là các vấn đề như quản trị tốt và tính bền vững về mặt xã hội - sinh thái sẽ bị gạt sang một bên để ưu tiên cho lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và nhu cầu từ các bên liên quan tại địa phương đang đảm bảo rằng việc tạo ra giá trị bền vững - vốn rất cần thiết ở quốc gia này - vẫn là một phần không thể thiếu của cuộc tranh luận. Trong lĩnh vực này, EU vẫn là đối tác đáng tin cậy của Zambia. 

Thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ năm 2023 và thiết lập hợp tác kỹ thuật, EU đã đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác. Nếu có thêm sự tiến triển rõ rệt hướng tới hợp tác công nghiệp, EU có thể củng cố vị thế của mình tại Zambia và đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung nguyên liệu thô của riêng mình.

Để điều đó xảy ra, sự phối hợp chặt chẽ hơn trong nội bộ châu Âu là điều cần thiết. Vai trò điều phối mới được thành lập trong phái đoàn EU tới Zambia là bước đầu tiên, nhưng chỉ điều này thôi là chưa đủ. Cách tiếp cận "Nhóm châu Âu" phải được triển khai trong thực tế. Các cường quốc công nghiệp của châu Âu như Đức và Pháp cần tham gia nhiều hơn vào thực tế và cùng với Ủy ban châu Âu (EC) theo đuổi một chiến lược thống nhất. Hơn nữa, EU nên thể hiện một cách đáng tin cậy rằng hợp tác công nghiệp là điều EU mong muốn và là một thành phần cốt lõi trong chiến lược nguyên liệu thô của châu Âu. Hiện tại, ưu tiên của EU vẫn là mở rộng và bảo vệ ngành công nghiệp nội khối, trong khi ngày càng "bỏ bê" các quan hệ đối tác quốc tế. Điều này rõ ràng không phù hợp trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy EU thực sự cam kết với các quan hệ đối tác trong khu vực sẽ là điều tốt, có thể hỗ trợ cho hợp tác công nghiệp. Một sáng kiến chính sách công nghiệp có thể khuyến khích các công ty châu Âu, do đó tạo ra tác động tốt ở Zambia. EU nên chủ động hơn trong việc tìm cách thu hút các công ty châu Âu tham gia vào quá trình chế biến và chuỗi cung ứng hạ nguồn. Ví dụ, trong sản xuất vật liệu pin hoặc tái chế. Điều này đòi hỏi phải thiết lập các điều kiện khuôn khổ phù hợp như các ưu đãi đầu tư, nguồn tài chính đáng tin cậy... 

Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu thô của Ngân hàng Đầu tư châu Âu hay Ngân hàng Phát triển Đức cần phải được điều chỉnh tốt hơn theo yêu cầu của cả ngành nguyên liệu thô lẫn các nước sở hữu tài nguyên như Zambia. Các tổ chức của châu Âu tại địa bàn cũng quan trọng không kém, ví dụ với vai trò nổi bật hơn của Phòng Thương mại Đức ở nước ngoài có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của các công ty Đức.

EU nên tận dụng tốt hơn hoạt động hợp tác kỹ thuật với Zambia. Một quỹ trung ương, có thể dễ dàng tiếp cận thông qua phái đoàn EU tới Zambia, sẽ là một công cụ mới có thể đẩy nhanh việc thực hiện hợp tác kỹ thuật. Hơn nữa, EU nên tăng cường hỗ trợ trong hai lĩnh vực thiết yếu cho hợp tác công nghiệp là quản trị, ví dụ thông qua hỗ trợ cho ủy ban quản lý khoáng sản mới và các công ty nhà nước trong lĩnh vực nguyên liệu thô và lập kế hoạch chính sách công nghiệp. Đức có thể có đóng góp thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức và Viện Khoa học Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên Đức. Điều này sẽ cho phép chính phủ liên minh mới ở Đức nhấn mạnh cam kết chính trị của mình đối với chiến lược nguyên liệu thô của EU và thực hiện lời cam kết trong thỏa thuận liên minh nhằm xây dựng "quan hệ đối tác trên cơ sở bình đẳng".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục