Nhu cầu dầu mỏ tăng nhanh ở châu Á và tác động với thế giới

06:30' - 14/04/2023
BNEWS Nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc, đã trở thành yếu tố chính trong những dự báo về giá dầu mỏ và khí đốt của các nhà phân tích.
Theo bài viết trên báo The Business Times, đầu năm nay, giá dầu mỏ sụt giảm do nhà đầu tư lo ngại kinh tế có thể suy thoái sau hàng loạt vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ, nhưng sự phục hồi sau đó là nhờ nhân tố Trung Quốc.

Nhà nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc, đã trở thành yếu tố chính trong những dự báo về giá dầu mỏ và khí đốt của các nhà phân tích. Trung Quốc chính là nơi các nhà giao dịch tìm đến khi họ đưa ra những quyết định trên thị trường dầu mỏ và cũng chính Trung Quốc là nơi các nhà sản xuất tìm đến khi họ lập kế hoạch cho tương lai.

Không chỉ riêng Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã trở thành một nhân tố đáng cân nhắc trên thị trường dầu mỏ và khí đốt. Với sự phụ thuộc hơn 80% vào nhập khẩu dầu thô để đáp ứng nhu cầu trong nước với nền kinh tế và dân số ngày càng tăng, Ấn Độ đang được một số nhà phân tích cho là quốc gia có thể thay thế Trung Quốc trở thành động lực quan trọng nhất của nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong tương lai không quá xa.

Theo báo cáo thị trường dầu mỏ tháng Một của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm nay, Trung Quốc được cho là chiếm khoảng một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, đạt mức cao kỷ lục gần 102 triệu thùng mỗi ngày. Trong hai báo cáo tiếp theo, IEA giữ nguyên quan điểm cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng cao hơn đáng kể.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng dự đoán tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ ở Trung Quốc. OPEC đã sửa đổi dự báo trong báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng mới nhất lên 700.000 thùng/ngày, từ mức 590.000 thùng/ngày trong báo cáo trước đó.

Bên cạnh đó, OPEC cũng khá lạc quan về nhu cầu của Ấn Độ, với kỳ vọng tiểu lục địa này sẽ trở thành nước dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong chưa đầy 20 năm nữa và duy trì vai trò dẫn đầu này cho đến ít nhất năm 2045.

Tuy nhiên, không chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng có nhu cầu dầu mỏ và khí đốt đang tăng. Ví dụ, nhu cầu xăng của Indonesia trong năm nay dự kiến sẽ đánh bại kỷ lục đã được thiết lập vào năm ngoái. Nước này là nhà nhập khẩu xăng lớn nhất ở châu Á, với nhu cầu năm 2023 tăng lên tới 670.000 thùng/ngày.

Tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia gần đây thông báo về một vòng đấu thầu thành công vào năm ngoái và đã lên kế hoạch cho vòng tiếp theo sau khi được trao giấy phép thăm dò 9 lô dầu khí. Quốc gia này cũng báo cáo số lượng dầu khí phát hiện tăng gấp đôi vào năm ngoái.

Nhu cầu về khí đốt cũng gia tăng ở châu Á, bất chấp giá cả tăng vọt trong năm ngoái đã khiến rất nhiều nhà nhập khẩu khí đốt trong khu vực xem xét lại ý định của họ chuyển từ than đá sang khí đốt.

Theo Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF), nhu cầu đối với loại nhiên liệu này trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050, từ mức của năm 2021, lên 350 tỷ m3 khi sự chuyển đổi khỏi than đá tiếp tục diễn ra bất chấp những trục trặc gần đây. Điều này có nghĩa là vào năm 2050, tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong khu vực sẽ tăng 24%, thay thế than đá. 

GECF trích dẫn Thái Lan, Malaysia và Indonesia là những động lực thúc đẩy chính cho sự gia tăng nhu cầu dự kiến.

Với tốc độ gia tăng nhu cầu dầu mỏ và khí đốt hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của châu Á sẽ là tâm điểm chú ý của cả OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt khác. Trong khi nhu cầu dường như vẫn khá ổn định ở các khu vực khác trên thế giới bất chấp các nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, châu Á chắc chắn là khu vực mà mọi người trong ngành này đang theo dõi.

Đây cũng là khu vực sẽ chịu trách nhiệm chính cho tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu mỏ và khí đốt toàn cầu. Những khu vực như châu Âu và Mỹ sẽ chia sẻ trách nhiệm này khi họ phục hồi nhu cầu, nhưng châu Á sẽ là nhân tố hàng đầu.

Các giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu mỏ nhà nước của Saudi Arabia - Aramco, tập đoàn dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) và tập đoàn năng lượng Shell (Anh) đã nhiều lần lưu ý thế giới đang phải đối mặt với giá dầu cao hơn trong tương lai vì không đủ nguồn cung.

Tuy nhiên, các nước phát triển dường như đã quá tập trung vào nhiệm vụ giảm lượng khí thải CO2 mà không chú ý đến phần còn lại của thế giới. Và phần còn lại của thế giới đang đi theo hướng dân số gia tăng với nhu cầu năng lượng gia tăng. Dường như nhiều chính phủ thực dụng hơn ưu tiên khả năng tiếp cận năng lượng hơn là chọn loại năng lượng nào.

Điều này có nghĩa là nhu cầu đối với dầu mỏ và khí đốt dường như sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng nguồn cung. Thông thường, điều này sẽ dẫn đến giá cả cao hơn, do đó sẽ làm giảm nhu cầu, cuối cùng lại đẩy giá xuống thấp hơn. Giờ đây, mọi việc có thể diễn ra rất khác, với giá cả cao hơn trong thời gian dài hơn dường như là kịch bản có khả năng xảy ra nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục