BNEWS
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu điều hòa không khí (AC) trên thế giới sẽ tăng gấp ba lần trong 30 năm tới.
IEA cho rằng việc phát triển hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng đang và sẽ được đặt làm ưu tiên hàng đầu.
Theo báo cáo của IEA, hiện nay có khoảng 1,6 tỷ tòa nhà trên thế giới có trang bị AC. Con số này sẽ tăng lên mức 5,6 tỷ vào năm 2050, tương đương với 10 chiếc AC mới được bán ra mỗi giây trong 30 năm tới.
Lượng điện cần thiết để đáp ứng mức tăng dự kiến của thiết bị làm mát trong nhà này sẽ bằng tổng công suất điện của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hiện nay cộng lại.
Vấn đề là hiệu suất năng lượng giữa các loại AC. Sản phẩm được bán tại châu Âu và Nhật Bản thường tiết kiệm năng lượng ít nhất 25% so với những sản phẩm được bán tại Mỹ và Trung Quốc.
Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA, cho hay nhu cầu điện cho AC ngày càng tăng là một trong những điểm “quan ngại” trong cuộc chiến năng lượng hiện nay. Do thu nhập ngày một tăng, việc sở hữu AC sẽ tăng đột biến, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi. Vì vậy việc cải thiện hiệu năng hoạt động cho AC là điều cần được ưu tiên.
Ấn Độ được dự báo là một trong những nước có lượng tiêu thụ AC tăng mạnh nhất trong những thập niên tới. Số AC tại Ấn Độ đang tiêu thụ khoảng 10% lượng điện của nước này, nhưng tỷ lệ này có thể tăng lên 45% trong năm 2050.
IEA cảnh báo rằng các khoản đầu tư lớn vào các nhà máy điện mới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện đỉnh điểm vào ban đêm là cần thiết, và chỉ riêng công nghệ điện Mặt Trời là chưa đủ.
Ông Birol cho hay việc thiết lập tiêu chuẩn hiệu suất làm mát cao hơn là một trong những biện pháp đơn giản nhất mà các chính phủ có thể đưa ra để làm giảm nhu cầu đối với các nhà máy điện mới, đồng thời có thể cắt giảm lượng khí thải cũng như chi phí.
Những tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng bắt buộc có thể giúp giảm 50% mức tăng nhu cầu năng lượng từ AC và tiết kiệm 2.900 tỷ USD trong đầu tư, nhiên liệu và chi phí hoạt động.
AC là thiết bị phổ biến ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Saudi Arabia và Trung Quốc. Song chỉ có 8% trong số 2,8 tỷ dân sống tại những khu vực nóng nhất thế giới có thiết bị làm mát trong nhà.
Báo cáo của IEA dự đoán rằng 2/3 số nhà ở trên thế giới có thể có một AC vào năm 2050.
>>>IEA: Nguồn cung dầu của Mỹ sẽ đáp ứng 80% mức tăng về nhu cầu thế giới