Nhu cầu nhiên liệu hóa thạch cao cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng

08:00' - 07/10/2021
BNEWS Từ nguồn cung khí tự nhiên thắt chặt trên toàn cầu, giá than đá và khí đốt cao kỷ lục, đến tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc và giá dầu chạm mức cao nhất trong ba năm qua.

Các thông tin này cho thấy nhu cầu năng lượng đang tăng mạnh trở lại.

Và như vậy, thế giới vẫn cần nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng này, từ đó làm giảm kỳ vọng rằng đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Ông Cuneyt Kazokoglu, người đứng đầu bộ phận phân tích nhu cầu dầu của công ty tư vấn năng lượng FGE, cho rằng sự suy giảm trong nhu cầu trong đại dịch hoàn toàn là do quyết định hạn chế hoạt động đi lại của chính phủ các nước, chứ không liên quan gì đến đến sự chuyển dịch năng lượng.

Ông nhận định chuyển dịch năng lượng và phi carbon hóa là những chiến lược kéo dài hàng chục năm chứ không diễn ra “trong một sớm một chiều”.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhiên liệu hóa thạch vẫn đang đáp ứng hơn 75% nhu cầu năng lượng toàn cầu, trong khi các loại năng lượng tái tạo phi hạt nhân chỉ đáp ứng được chưa đến 20% nhu cầu.

Số liệu của IEA cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với than đá, nguồn phát thải khí CO2 lớn nhất, đã vượt mức trước đại dịch trong năm ngoái và được dự đoán sẽ tăng 4,5% trong năm nay.

Trong khi đó, nguồn cung than đá toàn cầu đang thắt chặt, vì Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng một nửa sản lượng than đá toàn cầu, đã thắt chặt các quy định an toàn tại các mỏ khai thác sau một loạt các vụ tai nạn.

Điều này đã khiến Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều than hơn từ Indonesia, từ đó làm giảm nguồn cung cho các nước nhập khẩu khác, như Ấn Độ.

IEA cũng dự đoán nhu cầu khí tự nhiên sẽ tăng 3,2% trong năm 2021 và vượt mức của năm 2019.

Bên cạnh đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu sẽ phục hồi về các mức trước đại dịch vào quý II/2022.

Ở tương lai xa hơn, khi phần lớn các dự đoán đều cho rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt “đỉnh” trong 20 năm nữa, và IEA đề nghị hạn chế các dự án mới để đảm bảo lượng khí thải ròng bằng 0, thì sự chênh lệnh cung cầu ngày càng cao có thể sẽ gây ra nhiều cú sốc về giá hơn nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục