Nhức nhối nạn "tín dụng đen" vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:54' - 24/06/2018
BNEWS Hàng chục hộ người dân tộc thiểu số K’Ho ở thôn Đạ Nghịch, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do vay vốn “tín dụng đen”, với lãi suất "cắt cổ".

Thôn Đạ Nghịch, xã Lát, huyện Lạc Dương cách trung tâm huyện khoảng 20km. Nằm lọt thỏm giữa ngọn núi Biduop-núi Bà và dãy Trường Sơn Đông, con đường vào thôn nay đã được trải nhựa. Tuy nhiên, do thông xa trung tâm nên là điều kiện thuận lợi cho "tín dụng đen" hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
Anh Lơ Mu Ha Phương, thôn Đạ Nghịch cho biết: Năm 2012, gia đình anh “mua chịu” 300 bao phân dê của bà Cao Thị Mai, ngụ tại thôn Đạ Nghịch, xã Lát với giá 25.000 đồng/bao. Tuy nhiên, vài tháng sau, bà Mai đã ghi nợ lên đến 60 triệu đồng. Cho rằng gia đình Ha Phương không có khả năng trả nợ, năm 2014, bà Mai đã “siết nợ”, lấy 4.000m2 đất để bù vào số nợ đó.

Mặc dù chưa được sự đồng ý của chủ vườn và chính quyền, bà Mai đã tự viết giấy, sau đó bán cho một đối tượng thứ ba. Sau khi "siết" đất, bà Mai thông báo với Ha Phương số nợ còn lại là 28 triệu đồng với mức lãi suất “khủng” 50 ngàn đồng/triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, bà Mai liên tục đe dọa “nếu không trả đủ số tiền còn lại sẽ cho người đến phá nhà và tiếp tục lấy đất”.
Theo những người dân trong thôn, vì ở lâu năm, quen biết, các hộ dân đều vay nhưng không viết giấy tờ rõ ràng. Đến khi chủ nợ (bà Mai) thông báo, số tiền nợ đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ, năm 2006, ông Liêng Hót Săm, thôn Đạ Nghịch vay mua phân bón và bàn ghế, tổng cộng 43 triệu đồng với mức lãi suất “khủng” là 40 nghìn đồng/triệu đồng/tháng của bà Mai. Đến năm 2013, ông Săm trả tiền bằng cà phê nhưng bà Mai không nhận. Đến năm 2016, bà Mai cho rằng, cả vốn lẫn lãi, ông đã nợ lên đến 169 triệu đồng. Sau đó, bà Mai đã nhiều lần đe dọa, lấy đất của ông Săm bán cho người khác.
Cũng trong tình cảnh tự, năm 2001, gia đình Liêng Hót K’Brơn được ông Trần Hữu Mẫn “đầu tư” 700 bao phân dê. Sau hai năm, cà phê tốt đâu không thấy, nhà K’Brơn bị ông Mẫn lấy 3.000m2 đất để trừ vào tiền mua phân còn nợ.
Tin tưởng chủ “đầu tư”, cho rằng sau khi gán đất là xong, nhưng đến năm 2016, K’Brơn lại bị ông Mẫn "siết" thêm 1.000m2 đất ngay sau ngôi nhà mình để cấn trừ vào số tiền phân dê còn nợ. Sự việc không dừng lại ở đó, chủ nợ cho biết, K’Brơn vẫn còn nợ 20 triệu đồng và muốn mở một con đường từ vườn ra đường.

Nếu như vậy, K’Brơn phải phá bỏ phòng khách của căn nhà, khó khăn lắm mới xây dựng được. Không thuyết phục được, ông Mẫn đã ra về và chỉ bốn tháng sau, số nợ đã tăng lên 100 triệu đồng từ thông báo miệng của ông Mẫn.
Theo thống kê của Công an huyện Lạc Dương, đến nay đã có 32 hộ dân vay “tín dụng đen” với số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư sản xuất, trang trải cuộc sống…Tổng số tiền nợ của người dân trong thôn nghèo bị các đối tượng “tính toán” đã lên đến hơn 7 tỷ đồng, hầu hết không có khả năng chi trả.
Ông Trần Đình Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Lát cho biết: Bà con vay mượn bằng các hình thức trên, đa số không có giấy tờ nên cơ quan chức năng khó xác định là cho “vay nặng lãi”. Đến nay, cách làm chủ động nhất của xã là tuyên truyền, vận động bà con không nên vay của các đối tượng trên nên tìm đến các ngân hàng để vay vốn với nhiều ưu đãi.
Các gia đình lâm vào hoàn cảnh nợ nần đa số đều là những hộ dân nghèo, không có điều kiện, thiếu hiểu biết nên bị chủ nợ lợi dụng. Hiện chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho rằng: Tình trạng trên đã diễn ra nhiều năm, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp dân nhằm tuyên truyền, vận động người dân không nên vay cá cá nhân, tổ chức cho “vay nặng lãi”; đồng thời làm việc với “chủ nợ” tiến hành khoanh nợ, không cho “chủ nợ” mua bán, sang nhượng đất bất hợp pháp trên địa bàn.
Bà Trần Thị Mai Phương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các nhà mạng kiên quyết khóa thuê bao đăng trên tờ quảng cáo “cho vay không cần thế chấp”. Tuy nhiên, do những quy định của pháp luật nên việc khóa thuê bao này không đơn giản./.
>> Bắt giữ Tổ trưởng Tổ vay vốn tín dụng chính sách xã vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

>> Tín dụng chính sách đẩy lùi “tín dụng đen”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục