Nhức nhối vi phạm bảng quảng cáo tại Hà Nội: Bài 2 - Xử lý cách nào?

08:33' - 23/04/2017
BNEWS Dường như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều xem nhẹ các quy định của Luật Quảng cáo, quy định an toàn phòng cháy chữa cháy và quy định kỹ thuật khi lắp dựng bảng quảng cáo.
Tp.Hà Nội sẽ tiến hành tháo gỡ các bảng, biển quảng cáo trái phép. Ảnh minh họa: hanoi.gov.vn

Để lắp dựng bảng quảng cáo, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của Luật Quảng cáo, quy định an toàn phòng cháy chữa cháy và quy định kỹ thuật của Bộ Xây dựng. Nhưng dường như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều xem nhẹ các quy định này.

Không giấy phép xây dựng

Theo điều 31 của Luật Quảng cáo và quy định của Bộ Xây dựng, khi lắp dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn với công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.

Song, qua kiểm tra của đoàn công tác liên ngành thành phố Hà Nội, hầu hết các cơ sở lắp dựng bảng quảng cáo diện tích trên 20m2 đều không có giấy phép xây dựng.

Điển hình như: Cửa hàng Thế giới di động số 468 – 470 – 472 phố Lê Duẩn, phường Phương Liên, quận Đống Đa ; cơ sở kinh doanh siêu thị điện máy – máy tính Trần Anh thuộc Công ty cổ phần thế giới số, địa chỉ tại số 1283 đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; cửa hàng FPT.Shop.com.vn của Công ty cổ phần bán lẻ FPT, số 290 Kim Mã, quận Ba Đình…

Ông Nguyễn Khoa Trung, Phòng Quản lý đô thị quận Long Biên cho biết: Tất cả bảng, biển quảng cáo trên địa bàn quận không gửi hồ sơ xin cấp phép đến phòng. Đến nay, Phòng Quản lý đô thị quận cũng chưa cấp phép xây dựng cho bất kỳ công trình quảng cáo nào. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Long Biên mà ở hầu hết các quận, huyện khác.

Ngay cả khi doanh nghiệp đến xin giấy phép, một số địa phương còn lúng túng trong việc cấp phép và cho rằng mọi vấn đề liên quan đến quảng cáo đều thuộc sự quản lý của ngành văn hóa.

Trong khi ngành văn hóa chỉ chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và có nhiệm vụ tháo dỡ nội dung quảng cáo khi đơn vị vi phạm. Kết cấu bộ khung công trình do ngành xây dựng quản lý.

Bên cạnh đó, tại một số cửa hàng trên các tuyến phố quận Đống Đa, Hoàng Mai còn nhiều hình thức đối phó như mặt bảng quảng cáo được cuốn lên, trơ khung bảng hoặc phủ bạt che nội dung quảng cáo khi cơ quan chức năng kiểm tra. Sau khi đoàn kiểm tra đi khỏi hoặc hết đợt cao điểm kiểm tra, họ lại tiếp tục tái phạm.

Một số quận huyện còn chưa sát sao trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo, công tác xử lý vi phạm luôn gặp khó khăn do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tìm mọi cách đối phó. Ngay cả các văn bản hướng dẫn xử lý còn vấn đề chưa rõ ràng.

Bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nêu: Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20/1/2016 của UBND thành phố Hà Nội ban hành kèm theo quy chế hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội quy định rõ về số lượng biển hiệu được cấp phép thực hiện.

Tuy nhiên, tại nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 chế tài xử lý biển hiệu lại không có nội dung quy định về các cơ sở có biển hiệu vượt quá số lượng mà UBND thành phố ban hành nên rất khó khăn trong việc xử lý vi phạm này.

Xử lý triệt để các vi phạm

Để lập lại trật tự trong hoạt động quảng cáo, năm 2016, Hà Nội đã thành công trong xử lý vi phạm, tháo dỡ bảng quảng cáo một cột đứng độc lập.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương thực hiện thanh kiểm tra, tuyên truyền các doanh nghiệp tự tháo dỡ, kết hợp với cưỡng chế những bảng quảng cáo mà doanh nghiệp chây ỳ, không chịu tháo dỡ.

Sau thành công đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện quyết liệt đối với bảng quảng cáo, biển hiệu có kích thước lớn thực hiện sai quy định, lắp đặt tại mặt tiền, mặt hông các công trình xây dựng, nhà ở.

Qua đợt kiểm tra, xử lý vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có biện pháp xử lý, khắc phục các lỗi vi phạm, tháo dỡ, chỉnh sửa bảng quảng cáo theo đúng quy định.

Các quận, huyện, thị xã cần cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo có diện tích trên 20m2 và chỉ cấp phép khi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Quảng cáo.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân buộc phải có hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo gửi về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và chỉ thực hiện quảng cáo khi được sự chấp thuận của Sở.

Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Sau đợt kiểm tra, Sở sẽ có văn bản nhắc nhở các địa phương về công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn, đề nghị xử lý các vi phạm.

Đồng thời, cơ quan này sẽ tổng hợp báo cáo với UBND thành phố Hà Nội, tham mưu hướng xử lý triệt để nhằm lập lại trật tự về hoạt động quảng cáo trên địa bàn.

Việc lập lại trật tự đối với bảng quảng cáo, biển hiệu có kích thước lớn thực hiện sai quy định, lắp đặt tại mặt tiền, mặt hông các công trình xây dựng, nhà ở còn nhiều nan giải. Tuy vậy, sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các sở, ngành, địa phương sẽ là điều kiện quyết định trong công cuộc này./.

>>> Nhức nhối vi phạm bảng quảng cáo tại Hà Nội: Bài 1 - Rình rập những hiểm nguy

>>> Hà Nội: Sẽ cắt dịch vụ 463 số điện thoại quảng cáo rao vặt sai quy định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục