Những ẩn số khó lường của nền kinh tế thế giới

16:39' - 20/10/2021
BNEWS Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố tại hội nghị, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống còn 5,9% so với 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7.

Kinh tế toàn cầu 3 tháng cuối năm nay tiếp tục đối mặt với không ít rủi ro, đặc biệt những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, những yếu tố liên quan tới dịch bệnh và biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế thế giới. Giới chuyên gia tham dự hội nghị thường niên mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng hàng loạt yếu tố khó lường như vậy khiến triển vọng phục hồi kinh tế vẫn bấp bênh.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố tại hội nghị, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống còn 5,9% so với 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7.

Theo IMF, dù mức dự báo giảm chung chỉ là 0,1%, nhưng đối với một số nước cụ thể, mức giảm sẽ mạnh hơn. Tác động của đại dịch COVID-19 và thất bại trong việc nhanh chóng chia sẻ vaccine cho các nước nghèo đang ngày càng làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế, khiến triển vọng kinh tế của các nước đang phát triển không mấy sáng sủa.

Một trong những yếu tố đang cản trở quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

IMF đánh giá hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị đình trệ vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu các thành phần quan trọng như thiết bị bán dẫn, cũng như việc các cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu nhân công vì các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch.

Lý giải về tình trạng "nút thắt cổ chai" của chuỗi cung ứng, các quan chức tài chính nhiều nước cho rằng sự gián đoạn này xuất phát từ tình hình chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra, cùng nhu cầu phục hồi mạnh mẽ do các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định một trong những nguyên nhân chủ chốt là sự chậm trễ trong tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở các nước đang phát triển, và nếu tình hình này kéo dài, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cao hơn.

Các chuyên gia cảnh báo với tiến độ tiêm vaccine và tình trạng phân bổ bất cân bằng hiện nay, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới sẽ không đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 40% dân số trong năm nay.

Tính đến cuối tháng 9/2021, 58% dân số tại các nước có thu nhập cao đã được tiêm phòng đầy đủ 2 liều vaccine chống lại virus SARS-CoV-2. Trong khi, tại các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ này là 36% và tại các nước có thu nhập thấp, mới chỉ có 4% dân số được tiêm chủng.

Sự mất cân bằng cung - cầu đã khiến khiến giá năng lượng và hàng hóa “leo thang”, tạo áp lực lạm phát và đe dọa làm chệch đà phục hồi kinh tế. IMF dự báo lạm phát sẽ trở lại mức trước khi dịch vào năm 2022, song cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các dự báo về lạm phát.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh bên cạnh việc tìm cách giảm bớt tình trạng thiếu hàng hóa trên toàn cầu, vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng hiện nay cho thấy thế giới cần quan tâm  thúc đẩy để các chuỗi giá trị toàn cầu hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và có khả năng vượt qua những “cú sốc” tương tự trong tương lai.

Một nguy cơ lớn khác đối với triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu là nợ công. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết 72 nền kinh tế đang phát triển hiện ở trong tình trạng “dễ bị tổn thương cao vì nợ”.

Một báo cáo của WB công bố tại hội nghị cho thấy các chỉ số nợ đang xấu đi ở tất cả các khu vực trên thế giới và tất cả các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương về nợ, giờ lại phải chi ngân sách cao chưa từng có để chống dịch và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái, khiến cho tình trạng khó khăn càng thêm bấp bênh.

Theo WB, nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp đã tăng 12% lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020 giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chủ tịch WB David Malpass dự báo sau khủng hoảng dịch bệnh, nhiều nước có nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và phải mất nhiều năm mới có thể xử lý được. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này sẽ cần đến sự cứu trợ của các chủ nợ, trong đó có thể có cả phương án xóa nợ.

Tuy nhiên, tại hội nghị mùa Thu vừa qua, các bên chưa đạt tiến bộ nào trong các cam kết giảm nợ cho các nước nghèo nhất, mặc dù Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DISSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ hết hiệu lực vào tháng 12/202.

Thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân góp phần kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của WB, biến đổi khí hậu có thể khiến 216 triệu người phải rời bỏ nhà cửa vào năm 2050.

Một nghiên cứu của IMF ước tính hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên 5.900 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP toàn cầu trong năm 2020, và đây chính là một nguyên nhân khiến mục tiêu khí hậu càng trở nên xa vời hơn.

Hồi tháng 6, WB đã cam kết tăng 35% quỹ dành cho khí hậu trong 5 năm tới, trong khuôn khổ “Kế hoạch Hành động chống biến đổi khí hậu” và đề xuất tăng hỗ trợ cho các nước nhằm thực hiện các cam kết khí hậu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch WB Malpass, cần hành động trên quy mô lớn hơn, với “hàng nghìn dự án công-tư lớn phối hợp các nguồn lực trên thế giới” nhằm giảm khí thải, tăng khả năng tiếp cận với năng lượng tái tạo và thích ứng với sự thay đổi của khí hậu.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng dưới tác động của hàng loạt ẩn số khó lường như vậy, tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, và tương lai của nền kinh tế hiện rất khó đoán.

Trước mắt, giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn là tăng cường chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân các nước, từ đó có thể kiểm soát đại dịch trên phạm vi toàn cầu, cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng đang làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo.

Theo ý kiến của Tổng thư ký Liên đoàn các nghiệp đoàn quốc tế (ITUC) Sharan Burrow: “Trong những tháng tới, tiêm phòng và giảm nợ cho các nước đang phát triển là một nhiệm vụ khẩn cấp nhằm tạo điều kiện phục hồi kinh tế thông qua việc làm. Nỗ lực này cũng sẽ được thúc đẩy nhờ hành động mạnh hơn trong việc tạo việc làm và bảo vệ xã hội trong quá trình chuyển tiếp sang một nền kinh tế toàn cầu trung hòa CO2”.

Một kết quả tích cực là tại hội nghị thường niên mùa Thu vừa qua, các chính phủ và IMF đã nhất trí tạo ra Quỹ Tín thác phục hồi và bền vững (RSTF) phục vụ mục đích này, nhất trí tăng chi cho vaccine thêm 8 tỷ USD và sẽ cập nhật chiến lược bảo vệ xã hội và việc làm.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Martin Wofl cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay, cũng là điều khó khăn nhất, là làm thế nào để tạo lập sự hợp tác tích cực và hiệu quả để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu như đại dịch và biến đổi khí hậu.

Những cam kết và hành động thúc đẩy hợp tác quốc tế sẽ tạo ra những giải pháp phù hợp để bảo đảm bình đẳng trong việc tiêm chủng toàn cầu, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước tác động lâu dài của đại dịch, đạt được thỏa thuận đáng tin cậy tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sắp diễn ra ở Glasgow (Anh)…

Đó là cách thế giới giải quyết các ẩn số khó lường, từ đó tìm ra con đường phục hồi toàn diện cho nền kinh tế toàn cầu./.

>>Nhiều CFO dự báo các vấn đề trong chuỗi cung ứng tại Anh sẽ kéo dài

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục