Những bất cập của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon

05:30' - 17/12/2023
BNEWS EU coi CBAM là công cụ mang tính bước ngoặt, giúp xác định mức giá hợp lý đối với lượng carbon thải ra và khuyến khích các nền kinh tế ngoài EU chuyển sang thực hành sản xuất sạch hơn.
Trang Tổ chức Nghiên cứu nhà quan sát (ORF) đăng bài phân tích của Giám đốc Quỹ ORF Nilanjan Ghosh và nghiên cứu viên cao cấp Ajay Tyagi về quá trình chuyển đổi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Nội dung như sau:

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

CBAM dự kiến được triển khai như một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu vào năm 2026, nhưng báo cáo ban đầu về cơ chế này đã bắt đầu từ năm 2023. Đây là là một phần trong hoạt động tăng cường của EU nhằm thực hiện các mục tiêu môi trường, đặc biệt là trong vấn đề “rò rỉ carbon”.

Việc triển khai dần dần CBAM trùng hợp với việc loại bỏ dần các khoản phụ cấp miễn phí trong Hệ thống mua bán phát thải của EU (ETS), nhằm mục đích tiếp tục nỗ lực khử carbon trong công nghiệp của EU. Trong quá trình này, giá của chứng chỉ CBAM được liên kết với giá của EU-ETS.

Do đó, mặc dù CBAM ban đầu được đề xuất cho các lĩnh vực như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydro nhưng EU vẫn có kế hoạch mở rộng phạm vi bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, dệt may, điện tử và công nghệ thông tin, cùng nhiều lĩnh vực khác bao gồm hơn 50% lượng khí thải trong các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của ETS.

EU coi CBAM là công cụ mang tính bước ngoặt, giúp xác định mức giá hợp lý đối với lượng carbon thải ra và là sự “khuyến khích” đối với các nền kinh tế đang sản xuất ngoài EU chuyển sang thực hành sản xuất sạch hơn.

Để đảm bảo chi phí carbon của hàng nhập khẩu phù hợp với chi phí sản xuất trong nước của EU, CBAM xác định chi phí được chi trả cho lượng khí thải carbon phát sinh trong quá trình sản xuất hàng hóa cụ thể nhập khẩu vào EU. Điều này giúp bảo vệ các mục tiêu về khí hậu của EU. Ngoài ra, CBAM được cấu trúc để phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).

Với những điều trên, các tác giả của bài phân tích trên ORF cho rằng nhân loại hiện đang phải đối mặt với hậu quả của xu hướng tăng trưởng kinh tế không kiểm soát mà không tính đến “chi phí tăng trưởng” liên quan.

Trên toàn cầu hiện đã có đồng thuận về sự cần thiết phải tạo ra các lộ trình phát triển mới nhấn mạnh đến tính bền vững. Quá trình chuyển đổi phải nhanh chóng, nhưng cần đảm bảo sự công bằng và toàn diện. Điều này đặc biệt quan trọng đối với khu vực Nam Bán cầu, nơi đang phải hứng gánh nặng của quá trình công nghiệp hóa ở khu vực Bắc Bán cầu.

Hơn thế nữa, bởi vì phần lớn khu vực Nam Bán cầu đang gánh chịu chi phí công nghiệp hóa của khu vực Bắc Bán cầu, họ có thể không có đủ nguồn lực hoặc năng lực thực hiện quá trình chuyển đổi mà không phải gánh chịu chi phí kinh tế lớn dưới hình thức hy sinh tăng trưởng, việc làm và phúc lợi kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu chi phí này? Khái niệm chuyển đổi công bằng là một cách tiếp cận thống nhất, có tư duy tiến bộ dựa trên các nguyên tắc, quy trình và thực tiễn nhằm chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình bóc lột sang mô hình tái tạo. Điều này liên quan đến việc xem xét lại việc sản xuất và tiêu dùng để trở nên toàn diện hơn và không lãng phí.

Về tính không công bằng

 

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tại nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu có thể không xảy ra trước năm 2026. Ngay cả ngày nay, lượng khí thải carbon bình quân đầu người của Mỹ (13,68 tấn), Canada (14,43 tấn), Australia (15,22 tấn) và EU (5,5 tấn) cao hơn nhiều so với các quốc gia Nam Á như Ấn Độ (1,6 tấn), Bangladesh/Nepal (0,5 tấn), Myanmar (0,6 tấn)… tỷ lệ phát thải biên bình quân đầu người (đơn vị phát thải tăng thêm do có thêm một đơn vị sản xuất bình quân đầu người) ở các quốc gia này thấp hơn so với hầu hết các quốc gia phía Bắc, bao gồm cả EU.

Điều này cũng đã được thể hiện tại một trong những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Nghiên cứu nhà quan sát, cho thấy BRICS - nhóm 5 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - hoạt động tốt nhất trong số các khối/nhóm kinh tế khác nhau như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về hiệu quả khí hậu.

Hơn nữa, Ấn Độ có thành tích tốt nhất trong số các quốc gia BRICS. Một bài báo khác của ORF tiết lộ Ấn Độ có chi phí tăng trưởng carbon thấp nhất trong số các quốc gia G20.

 
Tuy nhiên, việc các quốc gia Nam Á có cường độ carbon thấp lại bị so sánh với các quốc gia ở Bắc Bán cầu (và bị phạt theo chương trình CBAM, khiến sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn trên thị trường EU) đi ngược lại nguyên tắc chuyển đổi công bằng.

Ngoài ra, những lo ngại trong ngành dệt may cũng đã xuất hiện, vì nếu CBAM được áp dụng vào ngành dệt may, khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế nhỏ hơn như Bangladesh có thể bị đe dọa. Ngành dệt và may mặc (RMG) vốn là một thành phần quan trọng trong hoạt động xuất khẩu và là động lực tăng trưởng quan trọng của Bangladesh.

Sự bất bình đẳng cũng có thể được hiểu từ việc khi đưa CBAM vào thực thi, EU đang buộc các quốc gia đang phát triển phải đạt được nhiều hơn những cam kết mà họ đã cam kết theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.

Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia khác nhau đã cam kết thực hiện kế hoạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - kế hoạch hành động về khí hậu để giảm thiểu và thích ứng - theo khả năng và mức độ phát triển.

Ví dụ, Ấn Độ đã cam kết giảm cường độ phát thải trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng nước này chưa cam kết giảm khí thải carbon xuống mức mà EU yêu cầu trong các lĩnh vực thuộc CBAM.

Hành động này của EU tương đương với việc ép buộc các nước đang phát triển phải tuân thủ các tiêu chuẩn mà EU đã cam kết trong lịch sử.

Về vấn đề định giá

Vấn đề còn lại là việc định giá CBAM dựa trên thị trường. Việc định giá này được thực hiện bằng giá EU-ETS. Mục tiêu mà thị trường carbon được thiết lập là để giảm lượng khí thải carbon chứ không phải trở thành trung tâm đầu cơ. Tuy nhiên, bằng cách khám phá giá tín dụng carbon, việc hấp thụ, cô lập và dự trữ carbon có thể xảy ra.

Việc này có thể được giải quyết bằng cách điều chỉnh Chi phí xã hội của carbon, là giá trị hiện tại của tác hại trong tương lai do một tấn khí thải carbon dioxide gia tăng gây ra. Tuy nhiên, hiệu quả của thị trường trong việc kết hợp chính xác tất cả các thông tin liên quan vào giá cả vẫn còn là vấn đề đáng nghi ngờ.

Nghiên cứu năm 1970 của nhà kinh tế học George Akerlof về lựa chọn bất lợi nhấn mạnh việc thông tin không đầy đủ dẫn đến sự kém hiệu quả của thị trường, từ đó làm cho giá đi chệch khỏi giá trị nội tại của chúng.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực môi trường, nơi có lỗ hổng kiến thức đáng kể về các dịch vụ hệ sinh thái và tác động. Do đó, giá thị trường carbon thường không phản ánh chính xác sự khan hiếm thực sự hoặc chi phí xã hội của khí thải carbon.

Thị trường Giảm phát thải được chứng nhận (CER) minh họa cho sự mất kết nối này. Sau năm 2012, giá CER giảm do hoạt động công nghiệp giảm. Tình trạng này chứng tỏ rằng thiên nhiên hoạt động độc lập với các hệ thống kinh tế, bất kể giá cả thị trường như thế nào.

Kết quả là có sự mất kết nối giữa giá trị thực tế của các dịch vụ này và giá thị trường. Giá thị trường trong lĩnh vực môi trường, thường được quyết định bởi nhu cầu do nguồn cung không co giãn, cũng như dựa trên sự hiểu biết hạn chế về tiện ích của các tài nguyên hoặc dịch vụ này, dẫn đến sự sai lệch giữa giá trị sinh thái thực sự và định giá thị trường.

Theo nghĩa đó, giá CBAM, dựa trên hệ thống EU-ETS, không phản ánh giá trị khan hiếm. Do đó, tác giả bài viết cho rằng CBAM không dựa trên các nguyên tắc công bằng, cũng không phù hợp với các tiêu chí hiệu quả (do thị trường kém hiệu quả) góp phần thúc đẩy sự bền vững và công bằng phân phối.

Vì vậy, nếu nói về việc dung hòa bộ ba không thể dung hòa là công bằng, hiệu quả và bền vững, CBAM đã thất bại hoàn toàn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục