Những câu hỏi đặt ra về tiến trình “dời đô” của Indonesia

05:30' - 27/01/2022
BNEWS Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết, Phủ Tổng thống và một số cơ quan quan trọng sẽ được chuyển đến thủ đô mới Nusantara trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.
Một góc tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, nơi được chọn để xây dựng thủ đô mới của Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 18/1, Hạ viện Indonesia đã thông qua Luật Thủ đô quốc gia mới trong đó quy định về việc xây dựng thủ đô mới Nusantara tại Đông Kalimantan. Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết, Phủ Tổng thống và một số cơ quan quan trọng sẽ được chuyển đến thủ đô mới Nusantara trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024.

Toàn bộ quá trình dời đô sẽ hoành thành vào năm 2025. Trước tiến trình này, nhà báo cấp cao Jakarta Post là Kornelius Purba đã đưa ra những quan ngại về khả năng thực thi và hoàn thiện siêu dự án dời đô của Tổng thống đương nhiệm Indonesia.

Về bối cảnh

Trước hết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tấn công đất nước này đầu năm 2020 (ngay sau khi Tổng thống Jokowi công bố dự án di dời thủ đô về Đông Kalimantan cuối năm 2019), và hai năm sau vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, nhà báo Kornelius bắt đầu đặt ra nghi ngờ về khả năng triển khai dự án này.

Dự án là một trong những tham vọng, được coi là di sản của Tổng thống Jokowi trong hai nhiệm kỳ đã bị đình trệ sau hai năm đại dịch tàn phá nền kinh tế. Nguồn ngân sách hạn hẹp dần, cùng với việc chưa có kịch bản chắc chắn nào về thời gian đại dịch chấm dứt và cái giá phải trả cho việc xử lý đại dịch và phục hồi nền kinh tế càng khiến cho năng lực thực hiện kế hoạch “dời đô” trở nên khó khăn hơn.

Về nguồn kinh phí

Luật thành phố thủ đô mới quy định việc thành lập một cơ quan cấp bộ phụ trách toàn bộ tiến trình chuẩn bị, xây dựng và di dời thủ đô từ Jakarta đến Nusantara. Dự án có chi phí 466.000 tỷ rupiah (tương đương 32,16 tỷ USD), với khoảng 1/5 ngân sách nhà nước giải ngân thông qua các tập đoàn/công ty nhà nước và phần chi phí còn lại thu hút từ các đối tác công tư (PPP) và các nhà đầu tư tư nhân.

Trước đại dịch, Giám đốc điều hành Softbank Nhật Bản, Masayoshi Son, Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al Nahyan và một số tổ chức quốc tế khác đã bày tỏ thiện chí đầu tư. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, chưa có cam kết nào tiếp theo. Nếu lộ trình không suôn sẻ, có thể Tổng thống Jokowi phải quay sang Trung Quốc để kêu gọi tài trợ.

Các doanh nghiệp nhà nước chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng hạ tầng cơ bản. Tuy nhiên, nhà báo Kornelius đã lưu ý đến việc rút kinh nghiệm từ các dự án xây dựng do Trung Quốc tài trợ, điển hình là dự án tàu cao tốc Jakarta-Bandung- một dự án hợp tác kém khả thi và kế hoạch tài chính vội vàng đã khiến Jakarta phải trả giá đắt. Người dân phải chờ gần 4 năm để có thể sử dụng dịch vụ đường sắt cao tốc này, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023.

Về khả năng tiếp tục dự án của người kế nhiệm Tổng thống Jokowi

Một cách thức để dự án vẫn tiếp tục được triển khai khi Tổng thống Jokowi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024 đó là đưa dự án này trở thành luật. Và ông Jokowi đã không từ bỏ cơ hội này.

Liên minh đảng cầm quyền trong Hội đồng Hiệp thương nhân dân (MPR) khá kiên quyết trong ủng hộ tham vọng của Tổng thống Jokowi. Hơn nữa, MPR đã được trao thêm quyền lực trong việc hoạch định các chính sách quốc gia nhằm định hướng phát triển đất nước trong 50-100 năm tiếp theo, bất kể tổng thống là ai hay thuộc đảng phái nào.

Tổng thống Jokowi đã kịp thời sửa đổi quy định và đưa dự án thành phố thủ đô quốc gia mới vào thành bộ luật để những người kế nhiệm ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục thực hiện dự án này.

Việc xem xét dự luật vốn nhà nước chỉ kéo dài 43 ngày. Chỉ có Đảng Công lý thịnh vượng (PKS) phản đối dự luật, trong khi 8 đảng còn lại đồng ý thông qua. Hạ viện và chính phủ đã không rút ra bài học trước đó trong việc hoạch định chính sách. Thực tế dự luật này vấp phải sai lầm giống như tiến trình thông qua luật Tạo việc làm (Omnibus) hồi năm 2019, không có sự tham vấn của cộng đồng, các cuộc thảo luận chủ yếu là khép kín.

Tóm lại, Tổng thống Jokowi chắc chắn sẽ kết thúc nhiệm kỳ của ông vào tháng 10/2024 tại Nusantara bằng mọi giá. Tuy nhiên, xét đến chi phí để hoàn thiện việc xây dựng thủ đô mới thuộc về người kế nhiệm thì khả năng cao siêu dự án này sẽ bị đình chỉ không lâu sau khi Jokowi rời nhiệm sở. Ngoài ra, nhà báo Kornelius cũng đặt ra khả năng rằng việc xây dựng thủ đô mới có thể sẽ trở thành cái cớ để kéo dài nhiệm kỳ của ông Jokowi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục