Những cú sốc kinh tế từ căng thẳng Nga-Ukraine

05:30' - 03/05/2022
BNEWS Căng thẳng Nga-Ukraine đã gây ra những cú sốc kinh tế lớn, bởi đây là hai quốc gia xuất khẩu nguồn năng lượng khổng lồ ra thế giới và cũng là nhà sản xuất quan trọng của nhiều mặt hàng khác.

Điều này khiến lạm phát gia tăng nhanh chóng và khiến thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm mạnh. Quan trọng hơn, căng thẳng đã tạo ra thêm áp lực lên các nền kinh tế, quan hệ quốc tế và quản trị toàn cầu.

Theo tờ Financial Times (Anh), ngay cả trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine, thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những tổn thất về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, đó là chưa kể đến tác động rộng lớn hơn về xã hội và chính trị. 

Với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, nguồn cung bị gián đoạn và lạm phát đã tăng cao một cách bất ngờ. Điều này xảy ra giữa bối cảnh chính sách tiền tệ được thiết lập để thắt chặt mạnh mẽ. Hậu quả là nguy cơ suy thoái trở nên tồi tệ hơn do rủi ro xảy ra các vụ vỡ nợ và đổ vỡ tài chính là rất cao. 

Song song với đó là căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng như các chính sách khác biệt của nước này đối với đại dịch COVID-19. 

Cùng với nhau, đây được coi là ba sự trừng phạt "thảm khốc” đang diễn ra. 

* Làm tăng sự bất ổn định

Căng thẳng Nga-Ukraine có lẽ là một cái máy phóng đại của sự gián đoạn trong một thế giới vốn đã bị gián đoạn. Về mặt kinh tế, các tác động được thể hiện qua 5 kênh chính, đó là giá hàng hóa cao hơn, gián đoạn thương mại, tài chính không ổn định, tác động về nhân đạo - trên hết là hàng triệu người tỵ nạn, và phản ứng chính sách - đặc biệt là các biện pháp trừng phạt. Tất cả những điều này đã làm tăng sự bất ổn định.

Trong đánh giá mới nhất về kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế và nâng kỳ vọng lạm phát lần thứ hai liên tiếp. Sau sự phấn khích về đà phục hồi nhanh chóng bất ngờ sau cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra vào năm 2020, tâm lý thất vọng đã xuất hiện. 

Dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đã giảm 1,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021. Đối với các nước có thu nhập cao, mức dự báo bị hạ là 1,2% và đối với các nước mới nổi và đang phát triển, mức hạ đi là 1,3%. Các ước tính về sản lượng tiềm năng nhìn chung cũng thấp hơn các dự báo trước đại dịch.

Trong khi đó, dự báo về lạm phát lại được nâng lên mạnh mẽ. Hiện tại, tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 5,7% ở các nền kinh tế có thu nhập cao và 8,7% ở các nước mới nổi và đang phát triển. Đây cũng không phải chỉ là kết quả của giá nguyên liệu cao hơn hay sự thiếu hụt nguồn cung. Như chuyên gia Jason Furman của trường Harvard’s Kennedy nhấn mạnh, lạm phát này là do nhu cầu và khá dai dẳng. 

IMF lập luận rằng dầu mỏ đã trở nên kém quan trọng hơn nhiều so với trước đây, trong khi thị trường lao động đã thay đổi và các ngân hàng trung ương độc lập. Tất cả những điều này là đúng. Tuy nhiên, sự tác động lẫn nhau giữa những sai lầm trong chính sách và những cú sốc về nguồn cung vẫn có thể tạo ra sự tàn phá của lạm phát đi kèm suy thoái.

Không khó để tưởng tượng ra những hậu quả tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà IMF vạch ra trong dự báo cơ sở của mình, vì dự báo này được đưa ra với giả định rằng căng thẳng sẽ chỉ giới hạn ở Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga không bị thắt chặt hơn nữa, không xuất hiện biến thể COVID-19 mới, thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức vừa phải và không xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính lớn. 

Tuy nhiên, bất kỳ hy vọng nào trong số này cũng có thể trở nên tồi tệ.

* Những nền kinh tế kiệt quệ

Một vấn đề khác là phúc lợi con người. Khủng hoảng có khả năng khả năng tạo ra tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nước mới nổi và đang phát triển, đặc biệt là những nước cũng bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu cao hơn. 

Như Báo cáo Ổn định Tài chính toàn cầu (GFSR) của IMF chỉ ra, 1/4 số nước phát hành nợ bằng ngoại tệ mạnh đã có giao dịch nợ phải trả ở mức khó khăn. Trong bối cảnh đó, để đối với cuộc khủng hoảng này, phương Tây giờ đây sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để giúp các nước đang phát triển và mới nổi.

Về cơ bản hơn, thế giới cần hòa bình, thịnh vượng và bảo vệ hành tinh. Những điều này không thể đạt được nếu không có sự hợp tác ở một mức độ nào đó giữa các quốc gia. 

Các thể chế Bretton Woods là một tượng đài cho nỗ lực đạt được điều này. 25 năm trước, nhiều người cho rằng nhân loại đang đi đúng hướng nhưng giờ đây, dường như mọi thứ lại trở nên tiêu cực hơn với những chia rẽ, đổ vỡ và nguy hiểm.

Nếu không có cú sốc nào xảy ra nữa, thì sự gián đoạn hiện tại sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, bất ngờ luôn rình rập và nếu thế giới không thể duy trì mức độ hợp tác tối thiểu, mọi việc có thể sẽ tồi tệ hơn nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục