Những cuốn sách hay nuôi dưỡng tâm hồn trong mùa dịch COVID-19

13:16' - 23/08/2021
BNEWS Giữa mùa dịch với nhiều nỗi lo âu, sách vở tưởng chừng bị bỏ quên, có cảm giác văn học là một cái gì ''xa xỉ''.

Nhưng trong tháng 8/2021, những cuốn sách được nhắc đến nhiều nhất, được yêu mến nhất của Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam hầu hết lại là sách văn học.

Đó là 3 cuốn sách "Chân dung của Dorian Gray" - Oscar Wilde (Mỹ); "Cười và lãng quên" - Milan Kundera (Pháp); "Trắng"- Han Kang (Hàn Quốc).

* Cuốn tiểu thuyết khiến người đương thời nổi giận

"Chân dung của Dorian Gray" của tác giả Oscar Wilde (Mỹ) ra đời vào thế kỷ 19. Bản dịch này do dịch giả Nham Hoa thực hiện, được dịch từ bản 20 chương in năm 1891.

Đây là cuốn tiểu thuyết khiến nhiều người đọc đương thời nổi giận vì những quan điểm, câu chữ "vi phạm đạo đức xã hội".

Nhưng qua thời gian, tác phẩm đã chứng tỏ được giá trị thông qua sức sống lâu bền, không chỉ trong những thư phòng kinh viện, còn trong nền văn hóa đại chúng.

Tác phẩm trở thành nguồn cảm hứng nhưng cũng là một thử thách đối với việc chuyển ngữ, vì vậy, đến năm 2021, sau rất nhiều thời gian chuẩn bị, Nhã Nam mới có thể xuất bản bản dịch của tác phẩm kinh điển này.

Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên năm 1890, gồm 13 chương, đăng thành nhiều kỳ trên nguyệt san Lippincott's (Lippincott’s Monthly Magazine).

Năm 1891, sau khi qua chỉnh sửa, kiểm duyệt, tiểu thuyết được xuất bản thành sách, mở rộng ra thành 20 chương. Tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất này của Oscar Wilde đã làm dấy lên rất nhiều tranh luận trong xã hội.

Câu chuyện xoay quanh một chàng trai trẻ tuấn tú, Dorian Gray. Bằng vẻ đẹp trác tuyệt của mình, chàng đã truyền cho họa sỹ Basil nguồn cảm hứng sáng tác dào dạt.

Mọi thứ vẫn thật tuyệt diệu cho đến khi Dorian gặp Huân tước Henry và bị mê hoặc bởi quan điểm "Chỉ có tuổi trẻ là thứ đáng để theo đuổi ở đời".

Chàng ước gì bức tranh sẽ già và xấu đi thay cho mình và bằng một cách nào đó điều ấy đã thành hiện thực.

Phần còn lại của tác phẩm tập trung khắc họa cuộc sống và đời sống nội tâm cuộn xoáy của Dorian giữa tuổi trẻ vĩnh cửu và đạo đức suy đồi.

Không phải nhân vật trung tâm, nhưng những trích dẫn thú vị, sâu sắc nhất của câu chuyện lại đến từ Huân tước Henry Wotton, một người đàn ông thiếu lương tâm nhưng thừa thông thái, độc hại nhưng lôi cuốn.

Chính Huân tước Henry là người đã dắt Dorian đi bước đầu tiên vào con đường mà chàng đã đi, cũng là người thúc chàng dấn bước tới kết cục của chàng với những lập luận hùng hồn, đáng suy nghĩ về xã hội và con người.

Oscar Wilde, tên đầy đủ là Fingal O’Flahertie Wills Wilde, sinh ngày 16/10/1854 trong một gia đình trí thức Dublin, Ireland. Cha ông là một bác sĩ nổi tiếng, còn mẹ là một nhà báo kiêm nhà thơ.

Thời đi học, ông luôn là một học sinh xuất sắc, từng giành được học bổng tại Trinity College, Dublin, và sau đó là học bổng tại Magdalen College, Oxford.

* Năm bắt thế giới nội tâm của con người trong sự phi lý của đời sống

Milan Kundera là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học đương đại phương Tây.

Cuốn tiểu thuyết "Cười và lãng quên" của ông chuyên chú khám phá, nắm bắt những bí ẩn về bản chất con người trong sự biến đổi của tình huống.

Cuốn sách gồm bảy câu chuyện được trình bày như bảy phần của một tổng thể: "Những bức thư bị mất", "Mẹ", "Các thiên thần", "Những bức thư bị mất", "Lítost", "Các thiên thần", "Biên giới", xoay quanh các chủ đề về ký ức và tiếng cười, mở đầu cho tiểu thuyết 7 phần như một bản giao hưởng.

Trong bảy phần này, các khía cạnh khác nhau trong sự tồn tại của con người được Milan Kundera sắp xếp, phóng đại, thu nhỏ, nhấn mạnh, kiểm tra, phân tích, trải nghiệm.

Mỗi câu chuyện lại có những tình tiết, nhân vật riêng (chỉ duy nhất một nhân vật xuất hiện lặp lại ở hai câu chuyện khác nhau), song vẫn có thể thấy rõ tính thống nhất của tác phẩm qua các chủ đề (ký ức và sự lãng quên, tiếng cười và bi kịch...), qua bối cảnh từng câu chuyện, nhất là lối kể chuyện đan xen các phần tự sự, bình luận về những gì nhân vật làm và về cả các chủ đề ít nhiều liên quan đến câu chuyện, thậm chí có cả những ký ức được trình bày như tự truyện.

Văn phong của Milan Kundera súc tích, giản dị nhưng lại sắc bén, đầy tính châm biếm.

Ông chú trọng trong tiểu thuyết của mình nghệ thuật xây dựng tình thế nhằm làm nổi bật sự phi lý của đời sống cũng như những khoảng tăm tối trong thế giới nội tâm con người.

Milan Kundera sinh năm 1929 trong một gia đình trí thức trung lưu tại Séc, định cư ở Pháp từ năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981.

Ngoài mười cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn (9 cuốn đã được dịch ở Việt Nam), ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với bốn tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp đều đã dịch sang tiếng Việt.

* Tìm kiếm sức mạnh nội tại từ đống tro tàn của đổ nát

"Trắng" - cuốn tiểu thuyết đậm tính tự truyện của Han Kang (Hàn Quốc) đã đưa độc giả đến với thế giới đan xen giữa sự sống - cái chết, trải nghiệm sự mong manh của kiếp người, đồng thời nỗ lực tìm cách xây dựng cuộc sống mới từ đống tro tàn của đổ nát.

Là một trong những tác phẩm riêng tư nhất của Han Kang, "Trắng" khởi dạng từ nỗi đau vô hình về sự tồn tại của chính bản thân tác giả.

Trắng là màu da của người chị qua đời từ lúc sơ sinh mà cô không có cơ hội gặp gỡ; là bánh trăng tròn lúc chưa hấp, đẹp đẽ như thể chẳng được phép tồn tại trên đời.

Trắng là nỗi đau cũ chưa lành, là nỗi đau mới còn vấn vương hoài niệm, chính vì vậy không thể thành thứ ánh sáng trọn vẹn, cũng chẳng thể làm một bóng tối đúng nghĩa. Trắng như sự bắt đầu của mọi thứ và cũng là điểm kết thúc của tất cả.

Cuốn sách gồm 65 đoản văn về những thứ trắng đã ra đời. Đây là cuốn sách dễ khiến người ta phải lòng, tinh tế, mong manh đến như có thể tan biến hay ố màu ngay nếu cứ cố chấp gán cho một nhãn mác nhưng không thể chối cãi là đã được may chắp bằng thứ văn chương lắng đọng và đẹp nhất của Han Kang từ trước tới giờ.

Han Kang (sinh năm 1970 tại Gwangju) là một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Hàn Quốc đương đại.

Tên tuổi cô đã vươn khỏi biên giới xứ sở kim chi với những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng, được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, trong đó đáng chú ý phải kể đến: "Bản chất của người" (Nhã Nam, Nhà xuất bản Hà Nội, 2019) - tác phẩm được đánh giá cao nhất ở Hàn Quốc của cô và "Trắng" - tiểu thuyết đậm tính tự truyện đã giúp cô lọt vào vòng chung khảo Man Booker International 2018.

Sách vở nói chung, văn học nói riêng cũng góp phần xoa dịu tâm hồn cho nhiều độc giả trong không khí chung nhiều căng thẳng, lo lắng.

Những cuốn sách hay phần nào đó có thể giúp người đọc tìm thấy niềm vui, trí tò mò, sự an ủi, sự yêu mến, để đi qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục