Những điểm cần lưu ý khi Indonesia thực hiện kích thích kinh tế hậu COVID-19

05:00' - 05/07/2020
BNEWS Trang mạng The Conversation mới đây đăng bài viết, trong đó các chuyên gia đã chỉ ra những điểm hạn chế trong quá trình thực hiện kích thích, phục hồi kinh tế của Indonesia giai đoạn hậu COVID-19.

Từ đó, các chuyên gia kiến nghị những nội dung cần thực hiện để đảm bảo chủ trương hỗ trợ, kích thích kinh tế của Indonesia phát huy hiệu quả.

Đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới. Đại dịch này đã gây ra những tác động kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. 

Trong khi một số nước phương Đông có phần chuẩn bị tốt hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu các tác động kinh tế, các nước nghèo và kém phát triển trên thế giới đang đối mặt với những thảm họa nặng nề nhất. 

Cần ít nhất 3 năm để phục hồi 

Chỉ riêng tại Indonesia, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 6/2020, đại dịch COVID-19 đã làm  2.134 người chết, 38.277 người bị lây nhiễm và đẩy hơn 1,1 triệu người vào tình trạng nghèo đói. 

Ước tính có khoảng 30 triệu người Indonesia sẽ rơi vào tình trạng nghèo trong năm 2020. Con số này còn tồi tệ hơn những gì Indonesia phải gánh chịu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Indonesia theo ba cách.

Đầu tiên, nhu cầu toàn cầu thấp hơn đang làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu chính của Indonesia. Thứ hai, khi vốn toàn cầu cạn kiệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia cũng suy giảm. Cuối cùng, sự sụt giảm của nguồn thu từ du lịch cũng đang tác động đến lĩnh vực dịch vụ khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia gặp khó khăn. 

Nền kinh tế Indonesia được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng tối đa chỉ 0,5%, thậm chí là tăng trưởng âm trong năm 2020. Giới chuyên gia nhận định, Indonesia sẽ mất ít nhất ba năm để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến nền kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, Chính phủ Indonesia đã đưa ra gói kích thích tài khóa lớn với tổng trị giá khoảng 405.100 tỷ rupiah (tương đương 27,5 tỷ USD), tương đương khoảng 2,5% GDP. 

Trong đó, 75.000 tỷ rupiah (5,1 tỷ USD) được dành để hỗ trợ ngành y tế, 110.000 tỷ rupiah (7,4 tỷ USD) hỗ trợ các mạng lưới an toàn xã hội, 70.100 tỷ rupiah (4,7 tỷ USD) dành cho các ưu đãi thuế và 150.000 tỷ rupiah (10,1 tỷ USD) để phục hồi kinh tế quốc gia.

Gói kích thích tài khóa đi kèm với kích thích tiền tệ sẽ làm giảm lãi suất xuống ngưỡng 4,5%, đồng thời yêu cầu dự trữ thấp hơn cho các ngân hàng và tăng thời gian tối đa phải trả cho các khoản vay lên tới 12 tháng. 

Song song với đó, Indonesia sẽ tăng tần suất đấu giá hoán đổi ngoại hối. Ngân hàng Indonesia cũng sẽ áp dụng biện pháp giảm bớt điều kiện thanh khoản và hỗ trợ ổn định thị trường trái phiếu.

Những lĩnh vực cần chú ý

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự kết hợp của các gói kích thích tài chính và tiền tệ là một khởi đầu tốt, nhưng Indonesia cần chú ý đến nhiều lĩnh vực để cải thiện việc thực hiện nó. Thứ nhất, mạng lưới an toàn xã hội ứng phó với đại dịch COVID-19 phải được thực hiện hiệu quả. 

Indonesia nên đúc rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ và đảm bảo rằng các khoản trợ cấp cho nhiên liệu và lương thực được cung cấp với chi phí thu nhập được tạo ra trong tương lai. Thanh toán phải được phân phối theo một tiêu chí rõ ràng, chẳng hạn như việc thanh toán bảo trợ xã hội nên hướng đến các đối tượng gia đình thực sự khó khăn hoặc có thu nhập thấp. 

Thứ hai, tất cả các ưu đãi thuế chỉ nên dành cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. 

Trong 10 năm qua, Chính phủ Indonesia chỉ áp dụng khoảng 30% các khoản vay dành cho hàng tiêu dùng, chỉ 15,8% dành cho công nghiệp và 7% dành cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản mà không áp dụng chính sách lãi suất thấp đối với hàng tiêu dùng. 

Việc giảm cả lãi suất và các điều khoản về lãi suất cho các hoạt động sản xuất sẽ giúp cải thiện nền kinh tế trong dài hạn. Nếu Chính phủ Indonesia không thực hiện đầy đủ điều này, Indonesia sẽ rơi vào tình thế mắc kẹt trong việc cung cấp trợ cấp cho các mặt hàng không sử dụng.

Thứ ba, để giải quyết vấn đề thất nghiệp gia tăng ở giới trẻ, Chính phủ Indonesia đã áp dụng chương trình thẻ lao động từ tháng 4/2020. Chương trình này cung cấp cho những người thất nghiệp cơ hội tiếp cận với hỗ trợ của chính phủ như các chương trình đào tạo lao động để người dân có nhiều cơ hội hơn khi tìm kiếm việc làm. 

Chính phủ Indonesia đã phân bổ 20.000 tỷ rupiah (1,3 tỷ USD) cho chương trình này, nhằm hướng tới mục tiêu trợ giúp 5,6 triệu công nhân đã bị mất việc làm, bao gồm cả những người lao động phi chính thức và những người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Theo đó, mỗi đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ sẽ nhận được sự hỗ trợ đào tạo của chính phủ tương đương khoản tiền 1 triệu rupiah (67 USD), các ưu đãi sau đào tạo trị giá 600.000 rupiah (40 USD) mỗi tháng và liên tục trong bốn tháng.

Chương trình này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân, ngay trong ngày đầu tiên khi thực hiện chương trình, Indonesia đã ghi nhận hơn 1,4 triệu người đã đăng ký tham gia. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, mặc dù chủ trương của Chính phủ Indonesia là hoàn toàn đúng đắn khi hướng tới người dân không có việc làm bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cũng như cải thiện kỹ năng lao động, nhưng chính phủ cũng cần lưu ý một số vấn đề. 

Bên cạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của người lao động, chương trình này cũng đã nhận được sự chỉ trích không nhỏ từ các tầng lớp xã hội khác vì cho rằng chính phủ đã dành cho các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo lao động một lượng lớn ngân sách. 

Trong khi chính phủ có nhiều cách để thực hiện chương trình này rẻ hơn, hiệu quả hơn và không cần thiết phải lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền để bảo mật thông tin vì chương trình đào tạo càng công khai rộng rãi càng phát huy hiệu quả cao. 

Giới chuyên gia cho rằng điều này sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi của những người lao động bị sa thải và những người rất cần tiền mặt để tồn tại, họ chờ đợi cơ hội việc làm phát sinh trong khi chính phủ lại bỏ ra một khoản ngân sách quá lớn tập trung vào những người cung cấp nền tảng dịch vụ đào tạo trực tuyến. 

Chương trình này cũng được cho là thiếu tính minh bạch trong cách lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đào tạo và cách xác định uy tín của họ để chia sẻ các kỹ năng và đào tạo. Cùng với đó là vấn đề với dữ liệu của đối tượng được hưởng ưu đãi từ chương trình này. 

Chính phủ Indonesia nên có một cơ sở dữ liệu rõ ràng, công khai về những đối tượng được thụ hưởng của chương trình này nhằm tránh những nguy cơ khuất tất liên quan đến việc khai khống dữ liệu hoặc cố tình làm sai lệch đối tượng được hưởng thụ để trục lợi ngân sách… 

Giới chuyên gia kết luận, chủ trương của Chính phủ Indonesia trong việc thực hiện kích thích kinh tế sau đại dịch là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ cần phải tính toán kỹ lưỡng để thực hiện chủ trương này một cách hiệu quả nhất. 

Gói kích thích và chương trình thẻ lao động phải được thực hiện với một danh sách các đối tượng hưởng thụ rõ ràng, minh bạch và công khai. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia phải triển khai một hệ thống giám sát và đánh giá những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo các chương trình này hoàn toàn mang tính xã hội và không bị chính trị hóa hay không bị lợi dụng để vụ lợi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục