Những điểm khác biệt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa

14:25' - 29/10/2020
BNEWS Sự khác nhau căn bản giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong chính trị Mỹ là như thế nào, đặc biệt là trong các vấn đề đối nội của chính nước Mỹ?

Khi nói đến bầu cử Tổng thống Mỹ, người ta thường nghĩ ngay đến sự ganh đua của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Hay nói cách khác, bầu cử Mỹ không chỉ là chọn ra vị Tổng thống kế nhiệm mà còn là thời khắc quyết định đảng nào sẽ cầm quyền trong 4 năm tiếp theo.

Vậy sự khác nhau căn bản giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong chính trị Mỹ là như thế nào, đặc biệt là trong các vấn đề đối nội của chính nước Mỹ?

 

* Đảng phái chính trị ở Mỹ

Hiến pháp Mỹ không nói gì đến các đảng phái chính trị nhưng cùng với thời gian, trên thực tế ở Mỹ đã phát triển một hệ thống hai đảng, đó là đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Bên cạnh hai đảng này còn có các đảng khác, trong đó có cả Đảng Cộng sản và đảng Xã hội…

Các đảng thiểu số đôi khi cũng giành được các chức vụ trong chính quyền cấp dưới, nhưng các đảng này không có vai trò lớn trong nền chính trị quốc gia.

Đã từ lâu, các đảng thứ ba này chỉ giữ vai trò mờ nhạt trong các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, và thỉnh thoảng vẫn xuất hiện nhưng hầu như không bao giờ có cơ hội thực sự để làm chủ Nhà Trắng.

Họ cũng hiếm khi cạnh tranh được một ghế tại Quốc hội, nơi mà kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu như không có quá 2 trong tổng số 535 nghị sỹ không phải đảng viên Cộng hòa hoặc Dân chủ.

Trong số những trường hợp ngoại lệ đó hiện có Thượng nghị sỹ Bernie Sanders đến từ bang Vermont, người được bầu vào Quốc hội Mỹ với tư cách ứng viên độc lập và đã tham gia giành quyền đề cử của đảng Dân chủ.

Theo quy định, một người không nhất thiết phải là thành viên của một đảng phái chính trị để tham gia tranh cử ở bất kỳ cấp chính quyền nào. Khi đăng ký bầu cử, người dân có thể chỉ đơn giản tuyên bố mình là thành viên của một trong hai đảng chính.

Điều này được coi như một nguyên tắc, cho phép họ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chọn ứng cử viên tổng thống của đảng.

Theo tờ Washington Post, kể từ năm 1852 đến nay, cuộc đua vào Nhà Trắng luôn chứng kiến một ứng cử viên của đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ cán đích ở vị trí thứ nhất hoặc thứ hai.

Chỉ có một ngoại lệ duy nhất đó là vào năm 1912, ông Theodore Roosevelt, một cựu tổng thống được yêu mến của đảng Cộng hòa, đã tranh cử với tư cách ứng viên của “đảng thứ ba”. Và ông đã về đích thứ hai, sau khi thất bại trước ông Woodrow Wilson.

Cho dù đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ luôn ở vị thế đối lập, nhưng trên thực tế hai đảng này lại có chung nguồn gốc.

Ban đầu, đảng Cộng hòa và Dân chủ đều bắt nguồn từ một đảng duy nhất, đó là đảng Dân chủ-Cộng hòa (Democratic-Republican Party), thành lập năm 1792 bởi James Madison và Thomas Jefferson. Đảng Dân chủ-Cộng hòa khi đó ra đời nhằm đối trọng với đảng Liên bang (Federalist Party), vốn lớn mạnh nhất ở Mỹ thời bấy giờ.

Đảng Dân chủ-Cộng hòa ủng hộ quyền của các tiểu bang và việc diễn giải Hiến pháp theo đúng nghĩa đen. Họ ưu tiên hỗ trợ tài chính và pháp lý cho nền nông nghiệp dựa trên hộ gia đình.

Trong khi đó, Đảng Liên bang, gồm những quý tộc giàu có, chủ yếu đề cao sức mạnh của chính quyền liên bang.

Nhờ hoạt động phản đối mạnh mẽ chế độ quân chủ có thể hình thành ở Mỹ như là Anh, đảng Dân chủ-Cộng hòa đã nhận được sự ủng hộ ngày một tăng của giới công nhân và nông dân.

Và dấu mốc quan trọng nhất là Thomas Jefferson của đảng Dân chủ-Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1801.

Sau Chiến tranh Mỹ-Anh vào 1812, đảng Liên bang mất dần sự ủng hộ và tan rã.

Điều này khiến đảng Dân chủ-Cộng hòa không còn đối thủ, dẫn đến tổ chức ngày càng lỏng lẻo, chia bè kéo cánh ở giai đoạn 1815-1832.

Năm 1828, đảng Dân chủ-Cộng hòa tách thành đảng Dân chủ hiện đại và một đảng chính trị khác là đảng Whig.

* Đảng Dân chủ (Democratic Party)

Đảng Dân chủ hiện nay do Andrew Jackson và những người ủng hộ ông thành lập vào năm 1828.

Ông là Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1829-1837 và đến nay người Mỹ coi Andrew Jackson là Tổng thống Dân chủ đầu tiên của Mỹ.

Dưới sự dẫn dắt tài ba của Tổng thống Andrew Jackson, và sau đó là Martin Van Buren, một cộng sự đắc lực của Tổng thống Andrew Jackson, đảng Dân chủ đã phát triển rộng và có cơ quan, tổ chức vững vàng tại các bang.

Đặc biệt từ khi Franklin Delano Roosevelt (người thuộc đảng Dân chủ giữ trọng trách Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1933-1945), đưa đất nước ra khỏi cuộc Đại khủng hoảng và lãnh đạo đất nước trong suốt cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đã mở ra một kỉ nguyên mới cho đảng Dân chủ.

Kể từ đó, đảng Dân chủ nổi lên và giành được sự ủng hộ của người Mỹ gốc Phi với quan điểm bình đẳng về chủng tộc.

Biểu tượng của đảng Dân chủ là hình ảnh chú Lừa (nên đảng này còn được gọi là đảng Con Lừa) và màu biểu trưng là màu Xanh.

Lập trường của Đảng Dân chủ được xem là có khuynh hướng tự do (kể từ thập niên 30 của thế kỷ XX) và ủng hộ quyền tự do dân sự, tự do xã hội.

Đảng Dân chủ có chủ trương loại bỏ các ràng buộc về giá trị truyền thống lâu đời, loại bỏ những quy ước về đạo đức, thúc đẩy tự do cá nhân.

Đảng Dân chủ muốn chính phủ can thiệp vào nền kinh tế, họ có chủ trương đánh thuế cao đối với những người có thu nhập cao, cũng như thúc đẩy phúc lợi xã hội.

Đảng Dân chủ cũng ủng hộ hôn nhân đồng tính, ủng hộ nạo phá thai, ủng hộ việc thắt chặt sở hữu súng, chính sách nhập cư thông thoáng.

Với ý thức hệ là thúc đẩy tự do cá nhân theo bản năng, ủng hộ nhập cư, ủng hộ phúc lợi xã hội nên đảng Dân chủ nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng người đồng tính, đa phần cộng đồng người Mỹ gốc Phi, người Mỹ nhập cư gốc Latinh (Latinos).

Các tiểu bang phía bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ là vùng có tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ mạnh nhất.

Trong lịch sử nước Mỹ, đã  có 15 Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ. Tổng thống đầu tiên là Andrew Jackson, nắm quyền từ 1829-1837. Tổng thống gần nhất của đảng Dân chủ là Barack Obama, ông nắm quyền hai nhiệm kỳ, từ năm 2009-2017.

* Đảng Cộng hòa (Republican Party)

Đảng Cộng hòa (Republican Party, còn thường được gọi là GOP, viết tắt của “Grand Old Party”) là một trong hai đảng chính trị lớn nhất của Mỹ.

Đảng Cộng hòa được thành lập năm 1854 do một nhóm các cựu thành viên của đảng Whig với tôn chỉ phản đối chế độ chiếm hữu nô lệ và có xu hướng hiện đại hóa nước Mỹ.

Thời kỳ đầu, cơ quan Đảng Cộng hòa đóng tại phía Đông Bắc và miền Trung Tây nước Mỹ; nhưng trong những năm gần đây, cơ quan của Đảng đã di chuyển về miền Tây và miền Nam đất nước.

Hình tượng tiêu biểu của Đảng Cộng hòa là Abraham Lincoln, người đứng đầu liên minh miền Bắc chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ ở miền Nam nước Mỹ và là Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 1861-1865.

Biểu tượng của đảng Cộng hòa là con Voi (nên đảng này còn được gọi là đảng Con Voi) và màu biểu trưng là màu Đỏ.

Trong giai đoạn gần đây, Đảng Cộng hòa được xem là bảo thủ hơn về mặt xã hội và tự do hơn về mặt kinh tế (trong sự so sánh với Đảng Dân chủ). 

Trải qua nhiều tư tưởng chính trị từ lúc thành lập đến nay, nhìn chung tư tưởng chính trị của Đảng Cộng hòa có xu hướng truyền thống, bảo thủ, xoay quanh việc gìn giữ và duy trì các giá trị truyền thống.

Trong điều hành họ có chủ trương chính phủ nhỏ (small government) - tức là tối thiểu hóa việc can thiệp hay thành lập các cơ quan của chính phủ để điều hành.

Họ ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do, hạn chế tối thiểu sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, thắt chặt nhập cư bất hợp pháp, ủng hộ quyền được sống của thai nhi (pro-life) và chống nạo phá thai, chống hôn nhân đồng tính, chống việc kiểm soát súng đạn.

Do có xu hướng truyền thống nên đa số những người theo đức tin thường ủng hộ đảng Cộng hòa. Các bang phía Nam thường có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa.

Hiện có 20 vị Tổng thống đến từ đảng Cộng hòa, nổi bật nhất là Abraham Lincoln. Ông là người có công lớn trong việc xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ vào thế kỷ XIX.

Ông làm Tổng thống từ năm 1861 đến khi bị ám sát vào năm 1865 khi đang trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Tổng thống đương nhiệm hiện nay là ông Donald Trump, là người thuộc đảng Cộng hòa.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11/2020 tới, người Mỹ sẽ không chỉ bầu ra Tổng thống, mà đây còn là cuộc bầu cử để chọn ra những thành viên mới của Quốc hội.

Đảng Dân chủ hiện đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện. Trong ngày bầu cử 3/11 tới, toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện sẽ được bầu mới, còn ở Thượng viện sẽ bầu mới 33 ghế./.

>>> Nhân tố nào quyết định quyền lực to lớn của Tổng thống Mỹ?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục