Những điều cần biết về Adenovirus

15:14' - 05/10/2022
BNEWS Adenovirus là loại virus gây ra nhiều ảnh hưởng trên hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, kết mạc,… Số lượng trẻ nhiễm virus Adeno đang ngày càng gia tăng cao trong thời gian gần đây.

Virus Adenovirus gây bệnh gì?

Adenovirus lần đầu được phát hiện từ năm 1953 từ mảnh hạch hạnh nhân, tổ chức tuyến được cắt bỏ. Adenovirus là những virus chứa DNA chuỗi kép, kích thước đường kính của virus từ 70 đến 80 nm, không có vỏ bọc bên ngoài, capsid có đối xứng hình khối và virus hình đa giác đều tạo nên bởi 252 capsome.

Adenovirus thuộc họ Adenoviridae chia ra làm hai nhóm chính một nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Ở nhóm gây bệnh cho động vật có vú, bao gồm cả người thì người ta đã phân lập được 47 type Adenovirus ở người, một số loài động vật khác và Adenovirus gây bệnh cho người được chia làm 6 nhóm ký hiệu A- F dựa vào những đặc điểm sinh lý, sinh hoá và sinh học phân tử.

Adenovirus có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại trong vòng 30 ngày, 370C sống được 15 ngày, 40C chúng sống được nhiều tháng, -200C sống được nhiều năm. Nước sôi 1000C, tia cực tím, cloramin dễ dàng huỷ được virus, bị mất độc lực nhanh và chết ở 56 độ C từ 3 đến 5 phút. Ngoài ra các dung môi hữu cơ như ete, axeton đều không diệt được virus.

Nguồn truyền nhiễm Adenovirus là bệnh nhân mang virus trong suốt thời kỳ mắc bệnh, người bệnh có thể bị lây do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị nhiễm virus có trong dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm Adenoviruses. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên do virus gây ra bệnh sẽ hay gặp ở những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính...

Hiện nay, bệnh do virus Adeno gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chính là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, nếu có bội nhiễm thì dùng thuốc kháng sinh.

 

Ai có thể nhiễm Adenovirus?

Mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh lây nhiễm Adenovirus. Sau khi người bệnh gặp phải Adenovirus sẽ có miễn dịch đặc hiệu với type bị nhiễm. Trường hợp bị tái nhiễm có thể đến từ type khác của virus Adeno. Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về vai trò cũng như thời gian miễn dịch sau khi Adenovirus xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên, bệnh do virus Adeno gây ra thường thấy ở những người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bị bệnh mạn tính,... Trong đó đặc biệt là đối tượng trẻ em trong giai đoạn từ 6 tháng - 5 tuổi cha mẹ cần lưu ý về sức khỏe của con trong giai đoạn giao mùa dịch đang bùng phát mạnh.

Dấu hiệu nhận biết người nhiễm Adenovirus

Biểu hiện thường thấy của người nhiễm Adenovirus có thể kể tới như: sốt cao, ho khan, thở khò khè. Cùng với đó là triệu chứng viêm kết giác mạc của mắt và rối loạn đường tiêu hóa. Một số những người có thể nhiễm Adenovirus có biểu hiện nặng là khó thở.

Nếu bạn đang nghi ngờ bản thân hoặc người thân trong gia đình nhiễm Adenovirus, bạn nên đi xét nghiệm để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán một cách chính xác nhất: khám nghiệm xét nghiệm máu, chụp chiếu X-quang tim phổi, xét nghiệm căn nguyên của bệnh do virus Adenovirus qua kỹ thuật Realtime PCR.

Người nhiễm Adenovirus xuất hiện biến chứng gì?

Ai có thể bị nhiễm Adenovirus thường đến từ người có hệ miễn dịch yếu. Đi kèm với đó là tốc độ lây lan chóng mặt ngoài cộng đồng nếu bạn không có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra bạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và biến chứng về bệnh nguy hiểm như là: suy hô hấp, nhiễm khuẩn bạch huyết, suy yếu đa tạng. 

Nếu không điều trị tích cực thì bệnh có thể để lại nhiều hậu quả trên các cơ quan như: tổn thương giác mạc, tổn thương đường tiêu hoá, đặc biệt là các di chứng nặng nề ở phổi như xơ hoá phổi, hội chứng viêm long đường hô hấp, giãn phế quản,…

Biện pháp điều trị khi nhiễm Adenovirus

  • Người bệnh được cách ly tại phòng bệnh chuyên biệt;
  • Thở oxy hoặc thở máy để hỗ trợ hệ hô hấp (nếu cần);
  • Dùng thuốc kháng sinh đối với tình trạng bội nhiễm viêm phổi.

Bên cạnh đó có những biện pháp trị liệu các triệu chứng thông thường bằng cách: uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C, bổ sung nước điện giải, dùng thuốc kháng virus đặc trị (thuốc kháng virus thường không chỉ định cho tất cả người bệnh).

Cách phòng chống dịch bệnh do Adenovirus gây ra

Luôn đảm bảo có nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. Nhất là trong mùa mưa lũ, cần sử dụng nguồn nước sạch đã được khử trùng.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng, phơi dưới ánh nắng.

Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh thì không được sử dụng chung đồ với người bệnh, nhất là khăn mặt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của bệnh nhân như bát, thìa, cốc, chén, giường... Thực hiện sát trùng các đồ dùng bệnh nhân trong giai đoạn mắc bệnh.

Bệnh do Adenovirus rất dễ lây lan bằng cách trực tiếp và gián tiếp, nên cũng dễ bùng phát thành dịch chính vì vậy khi phát hiện bản thân hay những người xung quanh mình nhiễm Adenovirus cần có các biện pháp phòng ngừa hợp lý, tránh bệnh bùng phát thành dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục