Những đổi thay trên vùng đất đỏ bazan

16:18' - 28/01/2017
BNEWS Năm nay, người dân ở khu vực nông thôn của tỉnh Gia Lai, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số người J'rai và Bahnar, đón Tết trong tâm trạng phấn khởi.
Nhiều hộ dân ở tỉnh Gia Lai vươn lên thoát nghèo nhờ trồng chanh dây. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Đến các vùng nông thôn ở Gia Lai trong những ngày này mới cảm nhận hết sự thay đổi của vùng đất đỏ bazan. Năm nay, người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số người J'rai và Bahnar, đón Tết trong tâm trạng phấn khởi.

Hiện 100% số xã trên địa bàn tỉnh có đường giao thông được nhựa hóa đến tận trung tâm; đường đến từng buôn làng cũng được thông suốt cả 2 mùa mưa nắng. 100% số xã có điện lưới quốc gia (trong đó có đến 98,64% số hộ được dùng điện); hơn 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Toàn tỉnh cũng đã phát triển được hơn 500.000 ha các loại cây trồng và đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao như cao su (hơn 100.000ha), cà phê (80.000ha), hồ tiêu (15.000ha), mía (40.000ha)... 

Nông dân ở Gia Lai đang có điều kiện bứt phá vươn lên làm giàu, trên cơ sở phát triển các loại hình trang trại. Hiện trên địa bàn tỉnh đã phát triển được gần 300 trang trại trồng trọt và chăn nuôi, quy mô bình quân 3ha đất canh tác/trang trại và có mức doanh thu đạt từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn có 3.230 hộ đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hộ/năm; hơn 10.000 hộ đạt mức thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/hộ/năm. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi mạnh, phá vỡ thế độc canh sản xuất cây - con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Đặc biệt, nhiều hộ đồng bào các dân tộc J'rai, Bahnar đã biết cách thi đua làm giàu, trên cơ sở thay đổi "nếp nghĩ - cách làm" và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Nông dân Gia Lai thu hoạch cà phê. Ảnh: TTXVN

Theo ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đã có 21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu đến cuối năm 2020 nâng lên 80 xã, chiếm 43% tổng số xã trong toàn tỉnh. Có thể khẳng định, ngoài sự đầu tư mang tính căn cơ của Nhà nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới thì vai trò của chủ thể trên địa bàn là rất quan trọng. Những phong trào, hành động thiết thực đã góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn trong tỉnh. 

Về xã Ia Dom (huyện biên giới Đức Cơ) - một trong số 21 xã được công nhận nông thôn mới và cũng là xã nông thôn mới đầu tiên trên toàn tuyến biên giới thuộc khu vực Tây Nguyên, mới thấy hết sức sống mãnh liệt từ các phong trào thi đua lao động sản xuất và giữ gìn an ninh, trật tự công cộng ở các buôn làng.

Toàn xã hiện có gần 6.000 ha đất canh tác, đều đưa vào sản xuất, không còn tình trạng bỏ đất hoang hóa như trước đây. Đặc biệt, bà con đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ các loại cây trồng truyền thống có năng suất thấp và bấp bênh đã dần chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, điều...

Nông dân Gia Lai nuôi bò lấy sữa. Ảnh: Văn Thông/TTXVN

Đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, hộ nghèo giảm mạnh hàng năm (năm 2011 toàn xã có gần 22% hộ nghèo, nay giảm xuống còn 5,75%); thu nhập hàng năm của người dân trên địa bàn tăng nhanh, từ chỗ chỉ có mức thu đạt khoảng 7 triệu đồng/người/năm hiện đã tăng lên hơn 23 triệu đồng/người/năm. 

Ông Ngô Hữu Thiện - Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết, xã Ia Dom có 8 buôn làng với 1.365 hộ và gần 7.000 nhân khẩu, trong đó người dân tộc bản địa J'rai chiếm hơm 30% số dân. Có được kết quả trên là nhờ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của người dân trên địa bàn cùng với sự đầu tư mang tính căn cơ của Nhà nước và sự giúp đỡ của lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục