Những dự báo mới nhất về giá vàng thế giới

05:30' - 16/06/2024
BNEWS Ngân hàng đầu tư UBS của Thụy Sỹ dự báo kỳ vọng giá vàng sẽ duy trì ở mức trung bình 2.365 USD/ounce trong năm 2024,và có thể tăng lên ngưỡng kỷ lục mới 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay.
Kể từ tháng 10/2023, giá vàng đã tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục 2.450 USD/ounce vào ngày 20/5. Trong tháng Sáu, mặc dù đã hạ nhiệt và giao dịch quanh ngưỡng 2.250 USD - 2.373 USD/ounce, nhưng giá vàng hiện vẫn cao hơn so với mức kỷ lục 2.075 USD/ounce thiết lập vào tháng 8/2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm thúc đẩy nhu cầu về một loại tài sản trú ẩn an toàn.

Vì sao vàng liên tục tăng giá?

Theo giới phân tích kinh tế, có ba lý do ảnh hưởng đến giá vàng trong thời gian vừa qua. Lý do thứ nhất là tình hình địa chính trị. Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, phản ứng tự nhiên là các nhà đầu tư có xu hướng tích trữ vàng, vốn từ lâu được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Sự gia tăng gần đây của giá vàng được thúc đẩy bởi sự leo thang căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể là nhân tố đẩy giá vàng lên cao hơn khi khả năng xung đột thương mại mới giữa Mỹ với Trung Quốc có thể diễn ra. Nhìn lại năm 2018 và 2019 khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bắt đầu và leo thang, giá vàng cũng tăng đáng kể.

Thứ hai là chính sách nới lỏng toàn cầu. Một trong những động lực chính đằng sau triển vọng tích cực đối với giá vàng là dự đoán về chu kỳ nới lỏng toàn cầu. Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, bao gồm cả các ngân hàng ở Canada, châu Âu, và Thụy Sỹ, đã bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Giới phân tích kinh tế cho rằng, triển vọng các ngân hàng trung ương toàn cầu bước vào kỷ nguyên nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá vàng. Bằng chứng lịch sử từ năm 2001 đã chỉ ra rằng giá vàng tăng mạnh khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed kết thúc. Nếu đối chiếu với những gì diễn ra trong quá khứ thì vàng vẫn có thể còn nhiều cơ hội để tăng cao hơn khi chu kỳ cắt giảm lãi suất thực tế bắt đầu.

Thứ ba, các ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh việc tích trữ vàng. Khối lượng vàng do ngân hàng trung ương mua vào tăng với tốc độ kỷ lục - ước tính 1.082 tấn vào năm 2022 và 1.037 tấn vào năm 2023. Động lực này tiếp tục kéo dài đến năm 2024, trong đó Trung Quốc là người mua dẫn đầu.

 
Ở cấp độ quốc gia, Trung Quốc đã bổ sung thêm 225 tấn vàng vào kho dự trữ trong năm 2023. Tháng 4/2024 cũng đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp nước này bổ sung vàng vào ngân khố. Vàng vẫn hấp dẫn đối với các ngân hàng trung ương do hiệu quả của nó trong thời kỳ khủng hoảng và thực tế nó là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả và tài sản có tính thanh khoản cao.

Mặc dù triển vọng về vàng có thể mang tính xây dựng nhưng điều đó không có nghĩa là vàng “miễn nhiễm” với những biến động của một tài sản thông thường. Vàng có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý thị trường, chính sách tiền tệ, dữ liệu kinh tế và hơn thế nữa.

Ưu, nhược điểm của việc đầu tư vàng

Giá vàng gắn bó chặt chẽ với các sự kiện thế giới và tình hình kinh tế chung. Có những ưu và nhược điểm cần cân nhắc trước khi quyết định xem kim loại này có nên nằm trong danh mục đầu tư hay không.

Ưu điểm đầu tiên của vàng là một phương tiện lưu trữ giá trị ổn định. Kể từ năm 2001, vàng đã vượt trội hơn hầu hết các loại tiền tệ tính theo giá trị trung bình mỗi năm. Nhìn vào nghiên cứu cho đến nay, tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm của dòng kim loại quý này là 9,7% kể từ năm 2001. Khoảng thời gian duy nhất mà vàng hoạt động kém hiệu quả là khi Fed phát tín hiệu sẽ giảm bớt các chính sách nới lỏng định lượng hoặc tăng lãi suất.

Ưu điểm thứ hai là vàng được coi là tài sản ổn định trong những thời điểm không chắc chắn. Điều này đúng trong các giai đoạn khủng hoảng khi lợi nhuận của vàng phần lớn là dương, ngay cả khi lợi nhuận thay đổi qua các giai đoạn khủng hoảng.

Khi xem xét lại các cuộc khủng hoảng lớn trong 20 năm qua, người ta có thể thấy rằng giá vàng vẫn tương đối ổn định, trái ngược với thị trường chứng khoán, vốn có thể sụt giảm đáng kể khi gặp môi trường biến động. Ví dụ, giá vàng tăng vọt trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, ngay cả khi thị trường chứng khoán lao dốc.

Tất nhiên, hiệu quả hoạt động trong quá khứ không nhất thiết phản ánh kết quả trong tương lai và một số người có thể cho rằng sự so sánh này mang tính khái quát quá mức. Cần phải xem xét môi trường kinh tế tổng thể và tâm lý nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng đến giá vàng chứ không chỉ các cuộc khủng hoảng cụ thể.

Phân bổ đầu tư vào các tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu và vàng giúp giảm rủi ro tổng thể cho danh mục đầu tư. Nếu một loại tài sản hoạt động kém thì những loại tài sản khác có thể bù đắp những tổn thất đó.

Tuy nhiên, vẫn có những nhược điểm khi giữ vàng trong danh mục đầu tư, đó là sự tăng giá của vàng có xu hướng chậm hơn so với giá cổ phiếu. Không giống như trái phiếu và cổ phiếu, vàng không tạo ra thu nhập như lợi suất hoặc cổ tức. Lợi nhuận từ vàng phụ thuộc hoàn toàn vào việc tăng giá tại thời điểm bạn quyết định - hoặc cần - bán những gì bạn đang nắm giữ và giá vàng đôi khi có thể dao động đáng kể.

Vàng là tài sản vật chất và do đó người nắm giữ vàng phải chịu phí lưu trữ hàng năm tại các kho lưu giữ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó còn có những rủi ro nếu nhà đầu tư quyết định cất giữ vàng ở nhà.

Cũng có một chi phí cơ hội nhất định khi nói đến tính thanh khoản của vàng. Mặc dù nó có tính thanh khoản cao hơn một số khoản đầu tư khác, nhưng việc bán số lượng lớn vàng một cách nhanh chóng có thể là một thách thức đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái.

Tâm lý của các nhà đầu tư

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, vàng "thường có mối tương quan với thị trường chứng khoán trong thời kỳ rủi ro và trở nên tương quan nghịch trong thời kỳ căng thẳng. Đây là điều duy nhất trong số hầu hết các biện pháp phòng ngừa rủi ro trên thị trường”.

Các nhà phân tích cho biết, mặc dù họ có thể gặp nhiều rủi ro hơn nhưng các nhà đầu tư vẫn đang lựa chọn vàng. Trên thực tế, cả cổ phiếu và vàng đều tăng giá “cho thấy các nhà đầu tư đang phòng ngừa rủi ro cho các khoản danh mục đầu tư của họ”.

Giám đốc Đầu tư của DBS cho biết, mặc dù vẫn lạc quan về khả năng cắt giảm lãi suất, các nhà đầu tư “cũng lo ngại về biến động thị trường cao hơn khi định giá tăng cao và giảm thiểu rủi ro phát sinh từ căng thẳng địa chính trị, tình hình bầu cử ở Mỹ và nợ tài chính đang leo thang”. Trong bối cảnh đó, vàng được coi là công cụ đa dạng hóa rủi ro, có thể phòng ngừa sự biến động của thị trường chứng khoán và mang lại lợi ích trong thời kỳ hỗn loạn”.

Ngân hàng đầu tư UBS của Thụy Sỹ dự báo kỳ vọng giá vàng sẽ duy trì ở mức trung bình 2.365 USD/ounce trong năm 2024, với mục tiêu cuối năm đạt 2.600 USD/ounce. Trong hai năm tới, UBS dự đoán giá vàng sẽ vượt mức 2.800 USD/ounce, phản ánh triển vọng mạnh mẽ bất chấp khả năng nới lỏng lãi suất mở rộng.

UBS lưu ý: “Dự báo giá vàng dài hạn của chúng tôi (theo giá trị thực) cũng tăng 11% lên 1.950 USD/ounce từ mức dự báo 1.750 USD/ounce trước đó. Điều này ngụ ý rằng mặc dù chúng tôi kỳ vọng giá vàng cuối cùng sẽ giảm bớt trong thời gian dài, nhưng hiện tại chúng tôi dự đoán rằng sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giá vàng danh nghĩa sẽ giữ ở mức cao hơn đáng kể so với trước đây, khoảng 2.300 USD/ounce”.

Các chiến lược gia của UBS cho biết, việc điều chỉnh tăng giá được thúc đẩy bởi lượng mua vàng đáng kể của khu vực chính thức và nhu cầu vật chất bền vững, điều này đã “tạo ra sự thay đổi mức độ cao hơn trong phạm vi giao dịch vàng một cách hiệu quả”.

Sự thay đổi cơ cấu này đã củng cố quan điểm lạc quan của các nhà đầu tư về vàng, được hỗ trợ bởi những bất ổn kinh tế vĩ mô và rủi ro địa chính trị dai dẳng.

Trong thời gian tới, UBS cho rằng thị trường vàng đang bước vào giai đoạn trầm lắng hơn.  Các chiến lược gia nói: “Chúng tôi nghĩ rằng bất kỳ sự thụt lùi nào trong giai đoạn này sẽ mang lại cơ hội để xây dựng vị thế vàng. Nửa cuối năm 2024 có rất nhiều điều không chắc chắn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục