Những khó khăn khi thế giới chuyển đổi sang năng lượng sạch

15:20' - 11/10/2021
BNEWS Quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch đã đạt tiến bộ, nhưng chưa đủ nhanh để thế giới có thể giới hạn tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về khí hậu năm 2015.

Đại dịch COVID-19 ban đầu đã làm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động kinh tế gián đoạn, song có lẽ dịch bệnh không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Năng lượng tái tạo hiện là nguồn cung cấp điện thứ 2 cho thế giới, chiếm tỷ lệ 26% (vào năm 2019), sau than đá nhưng trên khí đốt tự nhiên và hạt nhân.

Năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời đều tăng với tỷ lệ hằng năm lần lượt đạt 22% và 36% do giá các loại năng lượng này giảm dần kể từ năm 1990.

Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tiêu dùng cuối cùng (điện, nhiên liệu vận tải, sưởi ấm và hoạt động sản xuất tại nhà máy) vẫn không thay đổi.

Theo dữ liệu thống kê, nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch chiếm 80,3% vào năm 2009 và đến năm 2019 vẫn ở mức 80,2% do tổng tiêu thụ năng lượng tăng khi dân số cũng như thu nhập ở châu Á tăng lên.

Khi nhà chức trách siết chặt quy định về ô nhiễm, các nhà sản xuất ô tô đang tiến tới loại bỏ những dòng xe chạy bằng động cơ đốt trong vào thập kỷ tới hoặc giảm mạnh sản lượng dòng xe này và tiến tới chỉ sản xuất xe chạy điện trong tương lai.

Mặc dù vậy, phần lớn ô tô lưu thông trên đường phố hiện nay đều là các dòng xe gây ô nhiễm, xe chạy điện chỉ chiếm 5% tổng số ô tô được bán ra.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dòng xe SUV cỡ lớn, chiếm 42% số ô tô bán ra năm 2020, vốn gây ô nhiễm hơn các dòng xe cỡ nhỏ.

Về nhiên liệu khí hydro, ngày càng nhiều quốc gia xây dựng các cơ sở sản xuất khí hydro xanh cho xe tải và nhà máy. Khi đốt cháy nhiên liệu khí hydro chỉ thải ra nước và không gây ô nhiễm.

Do đó, việc tìm kiếm những cách thức sản xuất và phát triển cơ sở sản xuất khí hydro sạch với chi phí hợp lý cần nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó IEA kêu gọi thế giới cần tăng đầu tư gấp 4 lần vào lĩnh vực này.

Liên quan đến việc định giá khí thải carbon, theo tổ chức I4CE, tính đến giữa năm 2020 có 44 quốc gia và 31 thành phố, chiếm 60% GDP toàn cầu đã áp dụng cơ chế định giá carbon (áp thuế hoặc hạn ngạch).

Việc định giá carbon nhằm buộc những đối tượng gây ô nhiễm phải trả một khoản chi phí xã hội như chi phí chăm sóc sức khỏe do chất lượng không khí kém, mùa màng thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Giới chuyên gia cho rằng giá khí thải cần dao động từ mức 40-80 USD/tấn CO2 nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, tổ chức Ren 21 cho rằng đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội để thay đổi chính sách công, nhưng các nước đã đầu tư vào những dự án nhiên liệu hóa thạch số tiền cao gấp 6 lần các dự án năng lượng tái tạo trong kế hoạch phục hồi kinh tế.

Sau khi giảm 7% trong bối cảnh đại dịch, lượng khí thải CO2 ước tính sẽ tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2023 nếu các nước không thay đổi chính sách trên.

Mặc dù vậy vẫn tồn tại những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trên thế giới.

Đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo đang giảm ở những quốc gia đang phát triển và mới nổi trong vài năm gần đây, ngoại trừ Trung Quốc, và đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến quá trình này không đạt tiến bộ đáng kể.

Theo IEA, những quốc gia này chiếm 2/3 dân số thế giới và phát thải ra 90% lượng khí thải toàn cầu, nhưng ít đầu tư vào nguồn năng lượng sạch.

Than đá từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng cho kinh tế thế giới và hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi ở châu Á để đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng ở châu lục này.

Việc khôi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch có thể khiến nhu cầu than đá vượt quá mức của năm 2019 và do đó loại nhiên liệu này sẽ vẫn là nguồn phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới.

Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc, nhà tài trợ chính cho các dự án than đá ở những quốc gia khác, cho biết nước này tạm dừng hoạt động này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục