Những ngày đầu tiên nắm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump

20:04' - 08/02/2017
BNEWS Sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cấm người dân ở 7 nước Hồi giáo nhập cảnh Mỹ đang tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 27/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi Thẩm phán Liên bang tại Seattle (bang Washington) là James Robart ra lệnh tạm ngừng thực thi sắc lệnh của ông Donald Trump trên toàn quốc, Bộ Tư pháp đã nộp đơn lên Tòa án Phúc thẩm Liên bang đề nghị dỡ bỏ quyết định này. Tuy nhiên, Tòa án Phúc thẩm đã bác bỏ đơn của Bộ Tư pháp. Báo chí Mỹ cho rằng chính quyền sẽ tiếp tục có các bước đi để dỡ bỏ quyết định của Thẩm phán Robart.

Ngày 6/2, một nhóm cựu quan chức Mỹ gồm hai cựu Ngoại trưởng John Kerry và Madeleine Albright, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Janet Napolitano, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Avril Haines, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Michael Hayden, hai cựu Phó Giám đốc CIA John McLaughlin và Michael Morrell, cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Lisa Monaco đã gửi một tuyên bố chung tới một tòa phúc thẩm liên bang nhằm chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Họ cho rằng sắc lệnh này làm xói mòn an ninh quốc gia, phá hoại mối quan hệ giữa Mỹ và cộng đồng Hồi giáo, tạo thêm cớ để tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chống lại Mỹ.

Về nhân sự, thống kê báo chí cho thấy chính quyền Trump vẫn còn thiếu rất nhiều quan chức cấp phó trong các bộ, ngành. Đến nay, Tổng thống Trump mới chỉ đề cử thứ trưởng cho ba bộ là Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa. Hầu hết các bộ ngành của ông Trump đang hoạt động mà chưa có lãnh đạo chính thức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 1/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Bộ trưởng Lục quân được đề cử là Vincent Viola đã tuyên bố rút khỏi vị trí này. Đây là trường hợp đầu tiên xin rút khỏi đề cử của Tổng thống Trump. Dư luận báo chí cho rằng ông Trump sẽ sớm đề cử Elliott Abrams, một cựu quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Ronald Regan và George W. Bush, vào vị trí Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao với sự ủng hộ của Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Ông Abrams là một nhân vật kỳ cựu trong lĩnh vực đối ngoại, theo đuổi chính sách tân bảo thủ và đã nhiều lần nghi ngờ năng lực của ông Trump trong quá trình tranh cử. Ông ủng hộ việc mở rộng giá trị Mỹ, thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu, trái ngược với quan điểm biệt lập của ông Trump. Việc lựa chọn ông Abrams có thể sẽ phần nào trấn an cộng đồng chính sách đối ngoại Washington về kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo Bộ Ngoại giao.

Ngày 5/2, ông Trump đã tuyên bố sẽ thiết lập một ủy ban do Phó Tổng thống Mike Pence đứng đầu để điều tra về các gian lận trong quá trình bầu cử. Quyết định này không nhận được nhiều sự ủng hộ. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện và cũng là một đồng minh thân cận của ông Trump, cho rằng những gian lận trong bầu cử chắc chắn đã xảy ra nhưng không có bằng chứng cho thấy nó xảy ra trên quy mô lớn và không cần thiết phải chi ngân sách liên bang cho cuộc điều tra này.

>>>Lệnh cấm người nhập cư của Tổng thống Mỹ trước những "điều ra tiếng vào"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục