Những nguy cơ từ tranh chấp thương mại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu

07:46' - 12/06/2018
BNEWS Theo tổ chức Conference Board, rủi ro về chính sách thương mại đã thế chỗ những rủi ro về tài chính và kinh tế trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới do Conference Board công bố ngày 11/6, Tổ chức tư vấn kinh tế danh tiếng có trụ sở tại New York này đã hạ dự đoán tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 xuống còn 3,2% so với mức 3,3% được dự đoán hồi tháng 2.

Theo phóng viên TTXVN tham dự buổi họp báo công bố báo cáo nêu trên, phát biểu tại cuộc họp báo, nhà kinh tế trưởng của Conference Board ông Bart van Ark cho biết hiện tại lòng tin của giới tiêu dùng và kinh doanh vẫn mạnh mẽ, do đó nếu các đòn thuế quan hay hạn ngạch thương mại mang tính ăn miếng trả miếng có leo thang thì điều đó cũng không thể đảo ngược đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong tương lai ngắn hạn.

Tuy nhiên, sự bấp bênh có thể khiến tăng trưởng của thế giới chậm lại nếu như các công ty ngừng đầu tư hay tuyển dụng lao động. Do đó, những rủi ro từ chính sách có thể làm gia tăng nguy cơ suy thoái trong tương lai dài hạn.

Theo Conference Board, đà tăng trưởng của các nền kinh tế được cải thiện trong năm ngoái và sẽ tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ gần như tương tự trong năm 2018. Nhóm nền kinh tế này được dự đoán đạt mức tăng trưởng trung bình 2,4% trong năm 2018 (không đổi so với năm 2017) và 1,9% trong giai đoạn 2018-2022.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong năm nay, tăng so với mức 2,4% hồi năm ngoái, nhờ sự hỗ trợ của những biện pháp chính sách như giảm thuế và kích thích chi tiêu. Những căng thẳng trong quan hệ thương mại với các nước khác có thể không ảnh hưởng ngay lập tức đến nền kinh tế Mỹ, do nền kinh tế nội địa nắm vai trò chi phối ở nước này.

Tuy nhiên, những bất ổn xung quanh kết quả của các cuộc đàm phán thương mại vẫn có thể khiến các công ty trì hoãn những quyết định đầu tư.

Các điều kiện thị trường lao động bị thắt chặt - và khả năng lương tăng nhanh hơn - là nguyên nhân lý giải tại sao những xu hướng lạm phát và cách thức Cơ quan Dự trữ Liên bang (FED) đối phó với lạm phát, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các điều kiện kinh tế trong năm nay và năm tới.

Đối với khu vực đồng euro, Conference Board dự đoán tốc độ tăng trưởng chậm lại còn 2% trong năm 2018, giảm so với mức 2,5% của năm ngoái. Trong khi đó, Anh được dự đoán chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2018, giảm so với mức 1,8% năm ngoái. Nhật Bản có khả năng tăng trưởng 1%, cũng giảm so với mức 1,7% của năm 2017.

Các nền kinh tế mới nổi được dự đoán đạt mức tăng trưởng trung bình 3,9% so với năm 2018, giảm nhẹ so với năm 2017. Trung Quốc tăng trưởng 4%, thấp hơn mức 4,2% trong năm 2017, trong khi Ấn Độ cải thiện được tốc độ tăng trưởng, từ mức 6,3% của năm ngoái lên 6,8% trong năm nay.

Tuy nhiên, giá dầu tăng và đồng USD mạnh hơn sẽ thách thức triển vọng lạm phát của Ấn Độ và khiến nước này phải tiếp tục chính sách thắt chặt tài chính.

Xét tổng thể, Conference Board cho rằng sở dĩ đà tăng trưởng toàn cầu chậm lại đôi chút chủ yếu là do các nhân tố gồm: chu kỳ kinh doanh chín muồi tại khu vực đồng euro, triển vọng tăng trưởng yếu đi đôi chút tại các thị trường mới nổi do đồng USD tăng giá và lãi suất của Mỹ tăng, cũng như những điều kiện kinh tế khó khăn hơn tại Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những căng thẳng thương mại chỉ gây tác động có hạn lên lòng tin của người tiêu dùng và giới công ty.

Song nếu các cuộc đàm phán thương mại hiện nay tuột khỏi tầm kiểm soát và gây ra sự leo thang các quyết định thuế quan và hạn ngạch, không sớm thì muộn nền kinh tế thế giới sẽ suy thoái. Mặt khác, các mức thuế quan, và nhất là hạn ngạch sẽ là những yếu tố gây gián đoạn nghiêm trọng những dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề cuộc họp báo, nhà kinh tế trưởng Bart van Ark cho biết trong bối cảnh những căng thẳng thương mại đang là mối nguy cơ lớn đối với môi trường tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế như Việt Nam nên kiên định với xu hướng mở cửa, tham gia tiến trình toàn cầu hóa thông qua những thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên đa dạng hóa quan hệ thương mại với nhiều đối tác khác nhau để giảm thiểu những tác động bất lợi từ tranh chấp thương mại giữa các bạn hàng chủ chốt của Việt Nam như Mỹ với Trung Quốc hay Mỹ với Liên minh châu Âu (EU)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục