Hiệp định Paris đem lại lợi ích lớn cho kinh tế toàn cầu

18:48' - 24/05/2018
BNEWS Các nhà nghiên cứu ngày 24/5 cảnh báo nếu không giữ được mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C thì nền kinh tế thế giới có thể thiệt hại hàng chục nghìn tỷ USD trong 80 năm tới.

Theo công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature, 80% các quốc gia và 90% dân số thế giới sẽ được lợi lớn về kinh tế nhờ tránh được các phí tổn liên quan đến nhiệt độ toàn cầu tăng cao. Các phí tổn này bắt nguồn từ hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, sản lượng thu hoạch nông nghiệp giảm sút, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đề xuất giữ mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C, và nếu có thể thì ở mức 1,5 độ C.

Một báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) dự kiến được công bố vào tháng 10 tới sẽ nêu cụ thể những thiệt hại khi mức nhiệt tăng 1,5 độ C và giúp các lãnh đạo quyết định xem mục tiêu này có khả thi không. Tuy nhiên, hiện có rất ít nỗ lực nhằm tính toán ảnh hưởng của các mục tiêu mức tăng nhiệt độ khác nhau đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Noah Diffenbaugh của Đại học Stanford khẳng định việc đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất cho các nước và nền kinh tế toàn cầu, vì giúp tránh được các thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Nghiên cứu cho thấy trong một thế kỷ, nền kinh tế thế giới trong điều kiện mức tăng nhiệt độ được giữ ở 1,5 độ C sẽ tạo thêm 20 nghìn tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với mức tăng 2 độ C. Tuy nhiên, các nền kinh tế Nga, Canada, Tây Bắc châu Âu và các quốc gia Baltic, Trung Âu sẽ vẫn chịu thiệt hại nặng khi nhiệt độ tăng 1,5 độ C.

Trong quá trình nghiên cứu, các học giả đã tính toán cách thức kinh tế vận hành trong suốt 50 năm qua, xem xét sự thay đổi GDP tương ứng với mức nhiệt thay đổi trên thế giới. Tiếp đó, thông qua mô hình khí hậu, họ đã tính tổng sản lượng kinh tế sẽ thay đổi trong các thập kỷ tới khi nhiệt độ ấm lên với mức tăng 1,5 độ C, 2 độ C và 3 độ C.

Các chuyên gia khác cho rằng phát hiện này phụ thuộc quá nhiều vào các giả thiết. Theo Giáo sư Viện nghiên cứu Trái Đất thuộc Đại học Colombia Wolfram Schlenker, GDP là thước đó hữu hiệu để đánh giá lợi ích của việc hạn chế khí hậu toàn cầu ấm lên.

Ông cho rằng những tác động của sự ấm lên toàn cầu sẽ còn lớn hơn nếu xét ảnh hưởng của việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch không liên quan đến thị trường, chẳng hạn ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu Standford cũng không tính đến khả năng xảy ra những thay đổi thảm họa, như việc băng tan nhanh tại Greenland và Nam Cực khiến mực nước biển dâng lên nhiều mét trong những thế kỷ tới. Nghiên cứu cũng đánh giá thấp phí tổn liên quan đến chuyển đổi từ kinh tế thương mại sang nền kinh tế toàn cầu với lượng khí thải thấp.

Giám đốc chính sách của Viện nghiên cứu Grantham về Biến đổi khí hậu và Môi trường tại London Bob Ward lưu ý rằng nghiên cứu trên không tính chi phí phát sinh cho việc giảm khí thải để đáp ứng mục tiêu giữ nhiệt độ tăng trong khoảng 1,5 độ C.

Các nhà khoa học đánh giá mục tiêu giữ mức nhiệt tăng ở 2 độ C khó có thể chỉ hoàn tất bằng việc giảm ô nhiễm khí thải carobon, mà cần phải loại bỏ một lượng lớn khí CO2 khỏi không khí. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có công nghệ giảm khí thải nào hiệu quả./.

>>> Ứng dụng công nghệ cho phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục