Những tác động của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (Phần 1)

05:30' - 20/05/2018
BNEWS Quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump có ảnh hưởng lan rộng trên toàn cầu, từ các thị trường hàng hóa trên thế giới đến hoạt động kinh tế của nhiều nước.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trong ảnh) tuyên bố nước này sẽ không đầu hàng trước sức ép từ Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, theo nhận định của giới phân tích, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), có nguy cơ làm trầm trọng thêm mối quan hệ ngoại giao vốn đã căng thẳng với một số đồng minh quan trọng của Washington, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) ở Đức, Pháp và Vương quốc Anh - những nước đã tham gia ký kết thỏa thuận này.
Đầu tiên và cũng là rõ ràng nhất, quyết định này chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế Iran, sau đó đến các quốc gia thành viên khác của JCPOA nói riêng và thị trường dầu mỏ thế giới nói chung.  
Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran. Một số biện pháp trừng phạt đối với Iran sẽ có hiệu lực sau giai đoạn “chuyển tiếp” 90 ngày (kết thúc vào ngày 6/8/2018).

Trong khi các biện pháp trừng phạt còn lại - nhất là đối với lĩnh vực dầu mỏ - sẽ có hiệu lực sau 180 ngày (kết thúc vào ngày 4/11/2018). Đồng thời, các mốc thời hạn trên cũng là để các doanh nghiệp và các tổ chức có thời hạn chấm dứt các hoạt động kinh doanh tại Iran hay có liên quan tới Iran. 
Đối với Iran, những thách thức đến từ lệnh trừng phạt là không mới và thậm chí đã góp phần kích động các cuộc biểu tình hồi đầu năm nay. Nước Cộng hòa Hồi giáo lâu nay đã phải chật vật tạo công ăn việc làm cho giới trẻ, các khoản đầu tư đã cạn kiệt và tăng trưởng giảm tốc. Thậm chí, nhiều người Iran phàn nàn rằng JCPOA chưa đem lại được cho đất nước lợi ích kinh tế cụ thể nào. 
Ngay từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran, nhiều người dân nước này đã rút hết tiền tiết kiệm của họ và gây căng thẳng cho hệ thống ngân hàng vốn bị ảnh hưởng nặng nề sau nhiều năm bị cô lập. Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Iran cho biết tình hình hệ thống ngân hàng nước này đã xấu đi trong năm qua và vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn nguy hiểm. 
Trước đó, đồng nội tệ rial của Iran đã giảm từ 36.000 rial/USD hồi tháng 9/2017 xuống chỉ còn 60.000 rial/USD vào tháng 4 vừa qua do những dự đoán về việc Mỹ sẽ trở nên cứng rắn hơn, qua đó buộc Tehran phải cấm các giao dịch ngoại hối trong nước và giới hạn lượng ngoại tệ được nắm giữ trong khoảng 12.000 USD. Có thể nói, tỷ giá ngoại hối biến động, giá thịt gà và bánh mì tăng, đi cùng những cuộc biểu tình mới sẽ là những hệ quả mà lệnh trừng phạt gây ra.
Khi giai đoạn 90 ngày kết thúc, các biện pháp trừng phạt sẽ được tái áp đặt đối với hoạt động nhập khẩu thảm và thực phẩm sản xuất tại Iran vào thị trường Mỹ, và đối với một số giao dịch tài chính có liên quan. Một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 8/5 cho biết, Bộ Tài chính Mỹ sẽ thu hồi giấy phép xuất khẩu của các công ty hàng không dân dụng cho Iran sau khi Tổng thống Mỹ Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran. 
Trong khi đó, quyết định rút khỏi JCPOA sẽ tác động đến phần còn lại của thế giới, bởi vì Tổng thống Trump có thể sử dụng các công cụ trừng phạt quyền lực của mình để buộc các quốc gia ngừng nhập khẩu dầu từ Iran.

Mặc dù các thanh tra quốc tế và đối tác tham gia JCPOA (trong đó có Mỹ) đều kết luận rằng Iran tuân thủ một cách nghiêm túc thỏa thuận đã ký song Tổng thống Trump lại cho rằng bản thân hiệp định JCPOA có những lỗ hổng khiến ông không hài lòng.   
Nhận định về vấn đề này, nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ là Warrent Buffett nói: “Bước đi này sẽ cho phép Tổng thống Trump rời khỏi một thỏa thuận hạt nhân tồi tệ, đồng thời gián tiếp gây áp lực đòi hỏi các đối tác châu Âu khác trong JCPOA và Iran phải hướng đến một thỏa thuận toàn diện hơn”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục