Những thách thức đối với nền kinh tế Nhật Bản

05:30' - 05/07/2023
BNEWS Theo bài viết đăng trên tạp chí Á-Âu (Eurasia Review) trụ sở tại Mỹ, nền kinh tế Nhật Bản vốn trì trệ kéo dài đã xuất hiện những dấu hiệu cải thiện đáng kể từ đầu năm 2023.

 

Một mặt, xu hướng giảm phát lâu dài ở Nhật Bản đã tiếp tục được cải thiện. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), không bao gồm thực phẩm tươi sống, tăng 3,2% so với cùng kỳ trong tháng 5/2023, vượt qua dự đoán của các nhà kinh tế là 3,1%.

Khi loại trừ cả giá thực phẩm tươi sống và năng lượng, chỉ số CPI quan trọng tăng 4,3% trong tháng 5 so với 4,1% của tháng Tư, đạt mức cao mới kể từ tháng 6/1981. Điều đáng chú ý là chỉ số lạm phát được chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ghi nhận lạm phát vượt mục tiêu 2% trong 14 tháng liên tiếp. 

Mặt khác, nền kinh tế Nhật Bản đã có dấu hiệu cải thiện. Được hỗ trợ bởi chi tiêu hộ gia đình và doanh nghiệp tăng lên, GDP thực tế của Nhật Bản tăng 1,6% trên cơ sở hàng năm trong quý đầu tiên, đánh dấu mức tăng trưởng dương đầu tiên trong ba quý. Sự trỗi dậy của tăng trưởng kinh tế và lạm phát làm tăng kỳ vọng lạc quan sự phục hồi của Nhật Bản sau "những thập kỷ đã mất".

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản sau một đợt sụt giảm kéo dài củng cố thêm niềm tin của thị trường. Kể từ năm 2023, với ảnh hưởng của nhà đầu tư như tủ phú Warren Buffett, ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế bắt đầu chú ý đến thị trường chứng khoán Nhật Bản. Kể từ năm 2023, thị trường chứng khoán Nhật Bản liên tục tăng điểm và chỉ số Nikkei 225 gần đây đạt mức cao mới chưa từng thấy trong 30 năm.

Về thị trường bất động sản, Viện kinh tế bất động sản Nhật Bản công bố ngày 18/4: Trung bình trong tài khoá 2022, giá nhà tại 23 phường của Tokyo tăng 17,2% so với năm trước, đạt 98,99 triệu yen (685.000 USD), thiết lập mức mức cao lịch sử mới với dữ liệu có thể so sánh được kể từ tài khóa 1990. Sự trỗi dậy và đi lên của giá bất động sản ở Nhật Bản tượng trưng cho sự hồi sinh của niềm tin và dự đoán của thị trường.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp đang tăng tốc. Năm 2022, đơn đặt hàng xây dựng nội địa tại Nhật Bản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 20 năm qua so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty bán dẫn như Samsung, TSMC và Micron đã đầu tư quy mô lớn vào nước này.

Theo khảo sát của Nikkei, khoản đầu tư theo kế hoạch vào thiết bị công nghiệp cho năm tài chính 2023 đã lần đầu tiên vượt 30.000 tỷ yen, đạt 31.600 tỷ yen, tăng 16,9% so với mức đầu tư thực tế của năm 2022.

Đầu tư theo kế hoạch vào thiết bị của các doanh nghiệp đã đạt mức cao mới sau 15 năm kể từ cuộc khủng hoảng trước cuộc khủng hoảng Lehman Brothers năm 2007. Sự tăng trưởng trong đầu tư công nghiệp cho thấy lạc quan về nhu cầu thị trường trong tương lai và ở một mức độ nào đó mang lại sự phục hồi cho nền kinh tế.

Nhiều dấu hiệu cho thấy các chính sách kinh tế Abenomics mà Nhật Bản đã thực hiện trong một thời gian dài, cùng với những cải tiến tiếp theo của Chủ nghĩa tư bản mới, mang lại kết quả tích cực. Hàng loạt chính sách của chính phủ nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài.

Tuy nhiên, nếu Nhật Bản hy vọng vượt qua hoàn toàn bẫy giảm phát và khôi phục lại tình trạng bình thường, thì nước này vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Thứ nhất, một câu hỏi là liệu chính sách tiền tệ phi truyền thống của Nhật Bản có thể được loại bỏ một cách suôn sẻ hay không. Với việc lạm phát tiếp tục tăng, BoJ sớm phải đối mặt với một bước ngoặt trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trên thực tế, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu tính hiệu quả của các chính sách và cũng xem xét chiến lược rút lui khỏi biện pháp nới lỏng định lượng. Do chính sách nới lỏng định lượng lâu dài của Nhật Bản, nước này đã trải qua sự khác biệt trong các chu kỳ chính sách so với các nền kinh tế ở châu Âu và Mỹ. Khi chênh lệch lãi suất toàn cầu gia tăng, đồng yên Nhật mất giá nhiều lần kể từ năm 2022. 

Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kiên trì với chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng yen Nhật đã suy yếu và giao dịch ở mức 143 yen đổi 1 USD. Đồng yen giảm giá tiếp tục đẩy giá hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản tăng cao.

Nếu BoJ bắt đầu rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng do đạt được mục tiêu lạm phát thì điều đó có thể mang lại những rủi ro chuyển đổi khó lường. Đây có thể là một yếu tố khiến Thống đốc mới của BoJ ngần ngại chỉ ra rõ ràng một sự thay đổi chính sách.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda trước đây tuyên bố, Nhật Bản cần phải từ bỏ các chính sách nới lỏng vào một thời điểm nào đó và một khi chính sách lãi suất âm và kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu kết thúc, điều đó có thể có tác động lan tỏa đến tài sản của Nhật Bản.

Kể từ năm 2022, thị trường vốn bắt đầu chuẩn bị cho sự biến động sau khi Nhật Bản kết thúc chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và các quỹ đầu cơ tiếp tục đổ vào Nhật Bản, chuẩn bị tận dụng đồng yen yếu. Dòng vốn quốc tế chảy vào trong bối cảnh này có thể là một yếu tố góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Với rủi ro tích tụ, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ngân hàng trung ương thay đổi định hướng chính sách gây ra sự hỗn loạn cho thị trường. Sự ổn định của hệ thống tài chính của Nhật Bản không được đảm bảo với lãi suất thấp dài hạn. BoJ cần tránh đi chệch hướng chính sách có thể gây khủng hoảng trở lại cho nền kinh tế Nhật Bản.

Khó khăn thứ hai là hạn chế tăng trưởng dài hạn do già hóa dân số mà hiện chưa có giải pháp hiệu quả. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài của Nhật Bản nằm ở sự thay đổi cấu trúc nhân khẩu học.

Tình trạng già hóa dân số ngày càng sâu sắc, dẫn đến suy giảm lực lượng lao động và gia tăng gánh nặng cho dân số nói chung. Thật không may, xu hướng này vẫn chưa được giảm bớt.

Theo ước tính dân số do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố, tính đến ngày 15/9/2022, tổng dân số Nhật Bản giảm 820.000 người so với năm trước, trong khi số người từ 65 tuổi trở lên đạt mức cao kỷ lục 36,27 triệu người, tăng 60.000 so với năm trước.

Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên trong tổng dân số đạt 29,1%, cao nhất trong lịch sử. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, già hóa dân số nghiêm trọng có thể dẫn đến nhu cầu thị trường không đủ, gia tăng gánh nặng tài chính và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế do tăng trưởng lực lượng lao động bị trì trệ.

Hơn nữa, tính bền vững của quá trình cải thiện nền kinh tế cũng đối mặt với những thách thức. Một số nhà nghiên cứu tin rằng, sự tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Nhật Bản được thúc đẩy bởi các yếu tố ngắn hạn và liệu sự tăng trưởng có thể duy trì được hay không vẫn còn là một câu hỏi. Đặc biệt trước triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, nền kinh tế Nhật Bản đang bị kìm hãm bởi nhu cầu bên ngoài suy yếu và rủi ro địa chính trị leo thang.

Ví dụ, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Nomura Kyohei Morita gợi ý, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng khá của Nhật Bản có thể là do hai yếu tố: Nền kinh tế khởi động lại sau đại dịch, giải phóng nhu cầu bị dồn nén, và tăng chi tiêu vốn của các công ty sau khi lạm phát giảm từ mức cao nhất trong 40 năm. Tuy nhiên, những dữ liệu kinh tế khả quan gần đây từ Nhật Bản vẫn chưa khiến thị trường yên tâm hoàn toàn.

Ông Morita chỉ ra rằng việc duy trì đầu tư của công ty để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên có thể là một thách thức. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu từ công ty tài chính China Merchants Securities lưu ý rằng, sau ba thập kỷ trì trệ, khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật Bản không lạc quan.

Trong khi các công ty Nhật Bản duy trì khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, họ phải đối mặt với áp lực và thách thức ngày càng tăng trong các ngành như ô tô, LCD, quang điện và điện thoại di động.

Đặc biệt là ở các khu vực kinh tế mới nổi, hầu hết họ đều ở thế bị động. Sự thịnh vượng của thị trường được thúc đẩy bởi các yếu tố tiền tệ và vốn có thể khó duy trì trong bối cảnh khả năng cạnh tranh công nghiệp giảm sút.

Bất chấp những dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế Nhật Bản và hoạt động hiếm hoi của thị trường chứng khoán, vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua nếu Nhật Bản đặt mục tiêu đạt được tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Đặc biệt, những rủi ro chuyển đổi liên quan đến thay đổi chính sách có khả năng gây trở ngại cho nền kinh tế của đất nước một lần nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục