Những thách thức thời “hậu cứu trợ” tại Hy Lạp

13:44' - 20/08/2018
BNEWS Cuộc khủng hoảng kéo dài gần 9 năm đã gây ra những tổn thương sâu sắc đối với nền kinh tế và đời sống của người dân Hy Lạp.
Tại một khu chợ ở Hy Lạp. Ảnh: TTXVN phát

Sau ba năm phải chịu đựng những biện pháp khắc khổ để đổi lấy các gói cứu trợ kinh tế, Hy Lạp đã chính thức rời khỏi “chiếc ô bảo vệ” của Liên minh châu ÂU (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu ( ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Dù giới chính trị cho đây là một tin vui mang tính lịch sử cho Hy Lạp, nước này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian hậu cứu trợ.

Cuộc khủng hoảng kéo dài gần 9 năm đã gây ra những tổn thương sâu sắc đối với người dân Hy Lạp, những người đã nhiệt tình đón nhận và sử dụng đồng euro thay thế đồng drachma vào năm 2001.

Việc sử dụng một đồng tiền chung duy nhất đã mở ra một thời đại tín dụng rẻ, tạo điều kiện cho chi tiêu cá nhân và chi tiêu công tăng mạnh mẽ. Nhưng điều này cũng đẩy thâm hụt ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lại của Hy Lạp ngày một phình to.

Vào tháng 10/2009, chính phủ Hy Lạp đã phải thừa nhận thâm hụt ngân sách của nước này đã đứng ở mức tương đương 12,7% (sau được điều chỉnh lên 15%) so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ vào đầu năm 2010, bốn chính phủ liên tiếp của Hy Lạp đã phải “chiến đấu” để ngăn không cho nền kinh tế phá sản, viện đến những gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử kinh tế khi nước này phải vay hơn 289 tỷ euro từ bộ ba chủ nợ quốc tế gồm EU, ECB và IMF.

Hiện tại, dù nền kinh tế Hy Lạp đang trên đường bình thường hóa và tự chủ trở lại, những vết sẹo vẫn còn: các ngân hàng vẫn phải tìm cách giải quyết danh mục nợ xấu khổng lồ và nợ công của Hy Lạp vẫn cao nhất trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) với mức tương đương 180% GDP.

Tình hình đã khởi sắc hơn với Hy Lạp. Nền kinh tế này, sau khi suy giảm tới 26% trong những năm khủng hoảng, đã bắt đầu phát triển trở lại, với ngành du lịch đang bùng nổ và tỷ lệ thất nghiệp đang giảm dần - xuống 19,5% vào tháng 5/2018 từ mức đỉnh gần 28% hồi năm 2011.

Bên cạnh đó, kinh tế Hy Lạp đã tăng trưởng quý thứ 5 liên tiếp trong giai đoạn từ tháng 1-3/2018 với mức tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017, nhờ hoạt động xuất khẩu khởi sắc. Ủy ban châu Âu dự báo Hy Lạp sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 1,9% trong năm nay.

Tuy nhiên, vẫn còn những hoài nghi về “sức khỏe” của kinh tế Hy Lạp. IMF dù dự báo nước này sẽ phục hồi tăng trưởng đạt mức 2% trong năm nay và 2,4% vào năm 2019, song thể chế tài chính quốc tế này vẫn cảnh báo rằng những rủi ro từ bên trong và ngoài Hy Lạp đang nghiêng về phía tiêu cực, như những biến động tài chính gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, Italy (I-ta-li-a) và thậm chí trên quy mô toàn thế giới.

Trong khi đó, việc các Bộ trưởng tài chính Eurozone hồi cuối tháng Sáu nhất trí giảm nợ cho Hy Lạp, bao gồm kéo dài thời gian đáo hạn cho một số khoản nợ và giảm bớt mức lãi suất cho một số khoản khác, sẽ giúp quá trình trở lại thị trường của nước này “êm ái” hơn.

Ngoài ra, cùng với việc giảm nợ, khoản tiền mặt trị giá 24 tỷ euro cũng sẽ giúp cải thiện tính bền vững của nợ công Hy Lạp trong trung hạn, nâng cao thêm khả năng tiếp cận thị trường của nước này.

Tuy nhiên, IMF cho rằng tính bền vững lâu dài của nợ công Hy Lạp vẫn còn chưa chắc chắn và quốc gia châu Âu này cần phải suy nghĩ “thực tế hơn” về các giả định cho mục tiêu cân bằng tài chính và triển vọng tăng trưởng kinh tế. Hy Lạp hiện còn nợ IMF khoảng 10 tỷ euro và dự kiến sẽ phải thanh toán đầy đủ trước năm 2024.

Ngoài ra, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng những cải thiện về chỉ số kinh tế của Hy Lạp trên chưa thực sự được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Nền kinh tế này bắt buộc phải đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao trong những năm tới, nếu không các hộ gia đình – vốn đã chịu nhiều thiệt hại tài chính sau 10 năm suy thoái liên tiếp như bị giảm lương hay cắt giảm dịch vụ an sinh xã hội – sẽ tiếp tục bị tổn thương, và họ sẽ khó còn nguồn tài chính để đầu tư và thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.

>>>Hy Lạp chính thức rời khỏi chương trình cứu trợ của châu Âu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục