Những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân cần biết

15:24' - 16/03/2023
BNEWS Một số hình thức lừa đảo tinh vi mới, người dân cần nắm để phòng ngừa các tình huống có thể xảy ra.

Thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân.

Lực lượng Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, qua đó, phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng là chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như:

(1) Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

(2) Giả danh cán bộ của các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… Từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

(3) Giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

(4) Mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an khuyến cáo người dân một số nội dung như sau:

- Chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.

- Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

- Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.

- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an (địa chỉ http://bocongan.gov.vn hoặc http://mps.gov.vn) để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Giả danh Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thời gian vừa qua có tới 52/63 địa phương xảy ra vụ việc nhiều đối tượng giả danh cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, thậm chí đến trực tiếp để lừa đảo bán tài liệu, phương tiện, yêu cầu tổ chức các lớp tập huấn PCCC và CNCH nhằm trục lợi.

Đây không phải là hình thức lừa đảo mới mà đã xuất hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa kịp thời nắm bắt thông tin nên đã bị các đối tượng trên lừa đảo.

 

Thủ đoạn lừa đảo thường thông qua hình thức gọi điện đến các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp, người dân… nhất là các cơ sở kinh doanh mới đi vào hoạt động, đối tượng giới thiệu mình là cán bộ Cảnh sát PCCC để yêu cầu làm các giấy tờ liên quan đến công tác PCCC, bán sách, tài liệu, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH giá cao hơn thị trường; mời các cơ sở, doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và CNCH và yêu cầu chuyển tiền.

Sau khi sách và tài liệu được gửi tới người mua qua đường bưu chính, người mua phải trả tiền trước khi nhận bưu phẩm. Tuy nhiên, người mua không thể liên lạc với số điện thoại của người gửi sau khi đã thanh toán. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, gây hoang mang, phiền phức cho người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. 

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, không giao dịch mua bán với các đối tượng này; chia sẻ thông tin rộng rãi về các thủ đoạn lừa đảo cho người thân và cộng đồng, tránh mắc bẫy đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất.

Tội phạm đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng

Các đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng, tội phạm cá độ trên không gian mạng vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp.

Về thủ đoạn hoạt động, các đường dây cá độ bóng đá được hình thành bởi các đối tượng cầm đầu tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp, thường là những đối tượng hình sự, giới “anh chị”, móc nối với “nhà cái” quản lý các trang web cá độ có máy chủ đặt tại nước ngoài để thiết lập chia nhỏ cho các chân rết tổ chức cá độ bóng đá trên không gian mạng tại Việt Nam, với nhiều hình thức quảng cáo, chào mời hấp dẫn công khai bằng tiếng Việt.

Các đối tượng tội phạm cá độ bóng đá trên không gian mạng thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng như: Sử dụng các thiết bị di động thông minh có kết nối mạng internet để trao đổi thông tin, thực hiện hành vi phạm tội; Lợi dụng sở hở trong quản lý, kiểm soát không gian mạng, quản lý sim rác, quản lý thanh toán để thực hiện tội phạm.

Người chơi chỉ cần có các thiết bị kết nối Internet, đăng ký tài khoản thành viên, có tài khoản cá nhân tại các ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản hoặc nạp tiền đánh bạc thông qua thẻ cào điện thoại, qua cổng trung gian thanh toán để tham gia cá cược. Nếu thua không có tiền thanh toán, người chơi có thể bị các đối tượng cầm đầu cưỡng ép trả tiền bằng các hình thức như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê các đối tượng hình sự đòi nợ…

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên không gian mạng, Bộ Công an đề nghị:

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, nhất là cá độ bóng đá; phải ý thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội; tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.

Quan tâm quản lý, giáo dục, vận động người thân và những người xung quanh nâng cao cảnh giác, tránh xa cá độ bóng đá. Trường hợp phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ bóng đá cần kịp thời báo tin tố giác với cơ quan Công an gần nhất hoặc qua đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (0692348569) để có biện pháp điều tra xử lý, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội.

Lực lượng Cảnh sát hình sự, An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Quản lý hành chính về trật tự xã hội và các lực lượng nghiệp vụ khác sẽ quyết liệt vào cuộc, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật cao để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục