Những tín hiệu từ Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC gửi tới thế giới

06:30' - 16/11/2023
BNEWS Trong bối cảnh toàn cầu hóa gặp nhiều trắc trở với xu hướng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, việc triệu tập cuộc họp APEC sẽ gửi ít nhất ba tín hiệu đến với thế giới.

Theo trang mạng hkcna.hk, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở San Francisco (Mỹ) đã thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người, bao gồm các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ, giám đốc điều hành doanh nghiệp và học giả đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC. 

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa gặp nhiều trắc trở, xuất hiện xu hướng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, việc triệu tập cuộc họp đa phương quan trọng này sẽ gửi ít nhất ba tín hiệu đến với thế giới.

Thứ nhất, APEC được thành lập năm 1989 nhằm thúc đẩy thương mại khu vực và tăng trưởng bền vững. APEC hiện có 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 38% dân số, 47% thương mại thế giới và 61% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đây là một trong những cơ chế hợp tác đa phương cấp cao nhất, có phạm vi rộng và hiệu quả nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
        
Phó giáo sư Lưu Xuân Sinh tại Học viện Kinh tế và Thương mại quốc tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương (Trung Quốc) chia sẻ APEC 2023 là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức ở San Francisco - nơi từng ký kết Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945. APEC 2023 sẽ là sân khấu, là sự tổng kết một giai đoạn, với sứ mệnh thúc đẩy tương lai thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Tạo dựng một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người,” với mục tiêu xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương "kết nối, sáng tạo và bao dung", làm nổi bật những tiến triển của "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương" (IPEF).

Giáo sư Lưu Thần Dương, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Nam Khai (Trung Quốc), cho rằng với tư cách là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang được cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ đóng vai trò trụ cột, thúc đẩy tăng trưởng và hợp tác toàn cầu. 

Thứ hai, từ góc độ cơ hội, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần này tập trung vào các vấn đề kinh tế bao gồm phát triển bền vững, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thuận lợi hóa thương mại, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và y tế… Giáo sư Lưu Xuân Sinh nhận định các chủ đề như kinh tế số và một số hiệp định về thương mại số chắc chắn sẽ nằm trong phạm vi thảo luận của APEC. Trong hội nghị, các nhà lãnh đạo, học giả và giới chuyên gia, doanh nghiệp sẽ cùng nhau bàn bạc làm thế nào để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa các nền kinh tế và tìm kiếm giải pháp để giảm lượng khí thải carbon. Những vấn đề đó sẽ thu hút sự chú ý và trở thành trọng tâm của hội nghị. Do sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế của 21 thành viên APEC, các biện pháp hỗ trợ cũng có thể được đưa ra để giải quyết những vấn đề chung mà các nền kinh tế đang phát triển gặp phải, chẳng hạn như suy giảm thu nhập và lạm phát.

Điểm nổi bật thứ ba chắc chắn là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Mỹ. Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới, cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ tác động đến sự phát triển trong tương lai của hai bên, mà hiệu ứng lan tỏa của nó sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế và khu vực khác.

Trong 30 năm qua, dưới sự điều hướng của APEC, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của kinh tế thế giới. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công đó là tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế.


Ngày nay, thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ vừa qua và hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước một bước ngoặt, thử thách trí tuệ của các nhà lãnh đạo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục