Những tỉnh, thành phố đã nới lỏng giãn cách, mở lại hoạt động kinh tế, xã hội

14:37' - 30/09/2021
BNEWS Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và mở lại một số hoạt động kinh tế, xã hội.

Hà Nội

Theo đó, từ ngày 28/9, UBND thành phố cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người; mở cửa trở lại các trung tâm thương mại, cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm; riêng các cửa hàng ăn uống vẫn chỉ được phép bán mang về; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân phải thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR tại các nơi có quy định và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và thành phố.

Trước đó, ngày 21/9, thành phố điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và một số biện pháp cao hơn, phù hợp với tình hình thực tế, cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của thành phố. Thành phố đã mở cửa trở lại các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Tp. Hồ Chí Minh

Trong chỉ thị mới về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng quy định các hoạt động sẽ được phép khôi phục.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị nhà nước của Trung ương đóng tại Thành phố sẽ được hoạt động trở lại sau ngày 30/9.

Các cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở dịch vụ y tế; kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được phép hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.

Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã điều trị khỏi COVID-19, được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.

Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động; hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Nếu các hoạt động có sự tham gia tối đa 100 người, những người này phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh.

Đà Nẵng

Đà Nẵng chuyển sang trạng thái mới với các biện pháp mới trong phòng, chống dịch; đồng thời, thành phố sẽ có hướng dẫn tạm thời về việc mở lại một số hoạt động cơ bản từ 0 giờ ngày 30/9 với những điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cụ thể cho đến khi có các văn bản hướng dẫn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia. 

Thành phố cho phép một số lĩnh vực được mở cửa trở lại với những quy định cụ thể kèm theo - cắt tóc, hội họp, hoạt động tín ngưỡng, tập thể dục, thể thao, tắm biển, các khách sạn, cơ sở lưu trú được đón khách...

Quảng Ninh

Từ 12 giờ ngày 20/9, thành phố Móng Cái chính thức mở lại một số dịch vụ, hoạt động gồm: Bãi biển Trà Cổ; các dịch vụ, hoạt động thể dục, thể thao (Golf, quần vợt, bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga, bể bơi, câu lạc bộ bi-a,…); các điểm, dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa; dịch vụ thẩm mĩ, làm đẹp, spa; dịch vụ internet, trò chơi điện tử...; các khu, điểm du lịch; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; các nhà hàng, quán ăn trong nhà; hàng quán đường phố, cà phê, giải khát, quán nước; đám hỏi, đám cưới; các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn; tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu.

Trước đó, thành phố Hạ Long ban hành Công văn số 8673/UBND-VP về việc mở lại một số hoạt động dịch vụ trong tình hình mới. Theo đó, từ 12 giờ ngày 19/9, thành phố Hạ Long mở lại một số hoạt động gồm: Các bãi tắm công cộng; các dịch vụ, hoạt động thể thao (sân bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a...); các hoạt động vui Tết Trung thu; yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, quy định 5K trong quá trình tổ chức các hoạt động trên.

Hải Phòng

Từ 0 giờ ngày 1/10, thành phố Hải Phòng sẽ điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và mở lại một số hoạt động kinh tế, xã hội.

Cụ thể, Hải Phòng cho phép các địa phương mở các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nhưng chỉ đón và phục vụ khách nội tỉnh. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự được hoạt động để phục vụ  nhu cầu người dân trong thành phố; tuy nhiên, phải đảm bảo không tập trung quá 20 người tại cùng một thời điểm hoặc không vượt quá 50% công suất phục vụ.

Thành phố cho phép các hoạt động thể dục, thể thao tại các địa điểm công cộng, thể thao ngoài trời, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tập luyện thể thao; các câu lạc bộ gym, yoga, bể bơi được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm quy định 5K.

Các đám cưới, đám hỏi phải tổ chức nhanh gọn; các Trung tâm tiệc cưới được phép tổ chức dịch vụ cưới hỏi nhưng đảm bảo giãn cách, chỉ được phục vụ số lượng khách không vượt quá 50% chỗ ngồi.

Các cơ sở kinh doanh karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử; các quán bar, pub, vũ trường... tiếp tục tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Xe buýt, taxi, xe hợp đồng và xe khách được hoạt động trong nội tỉnh, chỉ sử dụng không quá 50 % số ghế ngồi và phải có sổ ghi chép lịch trình của hành khách. Lái xe, phụ xe phải có xác nhận tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 1 lần/tuần, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Lưc lượng công an giao thông thành phố Hải Phòng điều tiết các chủ phương tiện tại các chốt kiểm dịch. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Với các xe container, xe vận tải hàng hóa, xe du lịch, xe khách liên tỉnh ra vào thành phố, lái xe, phụ xe phải có xác nhận tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu...

Lai Châu

Từ 0 giờ ngày 19/9, tỉnh Lai Châu cho phép hoạt động trở lại các khu, điểm du lịch, các cơ sở vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, địa điểm tâm linh, karaoke, quán bar, vũ trường, massage, xông hơi, thẩm mỹ, spa, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, điểm cung cấp dịch vụ internet, quán ăn tại chợ truyền thống và các hoạt động khác tại các địa phương được đánh giá mức độ nguy cơ ở mức “bình thường mới”. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong phòng kín khuyến cáo cần mở cửa cho thoáng khí, không dùng điều hòa máy lạnh; đối với nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán bia, quán giải khát khuyến khích việc ngồi giãn cách, lắp vách ngăn tại các bàn ăn uống, bán hàng mang về.

Mặt khác, đối với các cuộc họp, hội nghị, giải thi đấu thể thao, hội thi, sự kiện văn hóa, các đoàn thanh tra, kiểm tra được hoạt động trở lại nhưng phải có phương án đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch phù hợp với từng loại hình hoạt động.

Bắc Ninh

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã cho phép hoạt động trở lại một số loại hình kinh doanh dịch vụ đối với các địa bàn đang thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg và trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh từ 6 giờ ngày 13/9. Thời gian hoạt động không được quá 21 giờ hằng ngày.

UBND tỉnh đã đồng ý đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép học sinh, học viên đến trường học tập từ ngày 24/9. Học sinh, học viên các cơ sở Giáo dục Phổ thông; các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Ngoại ngữ, Ngoại ngữ - Tin học; Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, giáo dục kỹ năng sống thuộc các địa phương đang áp dụng trạng thái bình thường mới, địa phương thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg được đến trường, cơ sở giáo dục học tập.

Khánh Hòa

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định tiếp tục triển khai Chỉ thị số 18/CT-CTUBND ngày 7/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với từng mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 24/9 cho đến khi có thông báo mới, trong đó có một số điều chỉnh, bổ sung đáng chú ý.

Với các thôn, tổ dân phố vùng vàng, vùng xanh của các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và các thành phố Nha Trang, Cam Ranh người dân được đi tập thể dục ngoài trời tại các địa điểm công cộng, đi chợ, siêu thị theo quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện.

Các cơ sở, cửa hàng kinh doanh, cung cấp dịch vụ và sửa chữa điện, nước, viễn thông, xe máy, xe ô tô, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, bán hàng tạp hóa được hoạt động trở lại với điều kiện là chủ các cơ sở phải đăng ký và được ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý khi đảm bảo được các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Sóc Trăng

Sau hơn 2 tháng nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sóc Trăng đã đạt được kết quả tích cực. Số ca mắc mới tại cộng đồng trong hơn một tuần nay đã giảm liên tục so với 2 tuần liền kề; trên địa bàn tỉnh không phát sinh chùm ca lây nhiễm mới trong hơn 1 tuần qua, đặc biệt trong vài ngày gần đây số ca mắc hàng ngày không đáng kể, có ngày không có ca mới...

Từ ngày 16/9, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái “bình thường mới”. Sóc Trăng trở thành tỉnh đầu tiên trong khu vực bước vào trạng thái "bình thường mới".

Sơn La

UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2308/QĐ-UBND về việc hoạt động trở lại một số loại hình sản xuất, kinh doanh theo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và tiếp tục tạm dừng một số loại hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; trừ huyện Phù Yên đang có dịch.

Từ ngày 23/9, UBND tỉnh Sơn La cho phép hoạt động trở lại nhà hàng, quán ăn; các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, cắt tóc, khu vui chơi, giải trí... nhưng cùng không quá 10 người/phòng/một thời điểm. Các địa điểm tập luyện thể dục, thể thao ngoài trời và trong nhà không quá 15 người/cùng một địa điểm... Khu Quảng trường Tây Bắc hoạt động trở lại theo quy định, mỗi nhóm không quá 5 người; Khu di tích Đền thờ Vua Lê Thái Tông và các đền, chùa, nơi thờ tự khác không đón tiếp quá 4 người/cùng một thời điểm...

Tỉnh cho phép hoạt động trở lại 100% số chuyến khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, vận tải hành khách bằng xe buýt; 100% số phương tiện xe taxi, xe hợp đồng trong phạm vi nội tỉnh. Tuy nhiên, các phương tiện hoạt động vận tải khách nội tỉnh phải chấp hành quy định không được chở quá 50% số người cho phép và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Đồng Tháp

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã quyết định chuyển áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/ CT-TTg sang áp dụng Chỉ thị 15+ đối với thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/9 đến khi có thông báo mới.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò căn cứ Kế hoạch số 282/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới, để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách, bảo đảm mục tiêu kiểm soát dịch.

Hà Tĩnh

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ như: dạy học và ăn bán trú đối với bậc Mầm non, dịch vụ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, các tuyến xe buýt nội tỉnh và dịch vụ cắt tóc gội đầu, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/9.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục