Những toan tính của Iran và Nga trong cuộc khủng hoảng Syria (Phần 2)

05:30' - 04/06/2018
BNEWS Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác khi nào Nga sẽ rút khỏi Syria. Khi Nga rút, Iran sẽ còn rất ít lựa chọn.
Người dân Syria tới khu vực Wafidin, đông bắc Damascus, sau khi sơ tán khỏi Douma ngày 27/3. Ảnh: THX/TTXVN

Nga và Iran cũng khác biệt trong tính toán liên quan đến dầu mỏ. Chính phủ Nga phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, vì vậy bất kỳ sự gia tăng nào về giá dầu đều có lợi cho Nga. Iran có điểm hòa vốn tài chính tương đối thấp để sản xuất dầu - ở mức 55-65 USD/thùng nên nước này có thể tăng sản lượng để giữ giá dầu ở mức đó.
Hiện thỏa thuận hạt nhân Iran đã gần như sụp đổ, sản lượng dầu thô của Iran có nguy cơ bị cắt giảm khiến giá dầu tăng, điều này có lợi cho Nga. Nói cách khác, Mỹ trừng phạt Iran khiến giá dầu thô tăng lại là có lợi cho Moskva.
Bất chấp mọi sự khác biệt, Nga và Iran vẫn đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Nga hỗ trợ không quân và trang thiết bị phòng không cho Iran, còn lực lượng chủ chốt và lực lượng ủy nhiệm của Iran cũng sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong một cuộc chiến chưa thấy hồi kết. Ông Rome nói: “Cả hai nước sẽ lợi dụng lẫn nhau nhiều nhất có thể và càng lâu càng tốt”.
Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác khi nào Nga sẽ rút khỏi Syria. Khi Nga rút, Iran sẽ còn rất ít lựa chọn. Iran có thể tiếp tục hậu thuẫn Assad thông qua việc gia tăng hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tranh Syria, cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực tác chiến của không quân Syria.
Tuy nhiên, tăng cường hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tranh tại Syria là vấn đề hết sức khó đối với Iran khi tình trạng kinh tế nước này đang khó khăn và các cuộc biểu tình chống chính phủ vì các vấn đề kinh tế đã diễn ra tại Iran.
Iran có thể duy trì mức độ hậu thuẫn chính quyền Syria như hiện nay, nhưng nếu Nga rút quân, Tehran sẽ đối mặt với Israel tại phía Nam Syria và Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia cũng có lực lượng không quân hiện đại - tại phía Bắc.
Không còn sự hậu thuẫn của Nga, phiến quân, đặc biệt là các nhóm được không quân Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, sẽ có cơ hội tái chiếm các phần lãnh thổ mà chính quyền Syria đã chiếm lại thời gian qua.
Cuối cùng, Iran có thể giảm hiện diện tại Syria và thay vào đó tập trung gia tăng ảnh hưởng tại Iraq - quốc gia sát với biên giới Iran. Tuy nhiên, nếu Iran thực hiện tính toán này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia tăng ảnh hưởng tại Syria. 
Mặc dù Nga chưa rút quân khỏi Syria, nhưng nếu điều này xảy ra thì áp lực đối với Iran sẽ lớn hơn và Trung Đông có thể sẽ rơi vào sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cần thắng lợi trong quan hệ với các quốc gia tại khu vực, nhưng cuộc chiến của Iran tại Syria còn kéo dài và chưa thấy bất kỳ lối thoát nào.

Ở một góc nhìn khác, các nhà phân tích ở Iran lại cho rằng những tuyên bố về sự chia rẽ giữa Nga-Iran đã bị thổi phồng, đồng thời nhấn mạnh Nga không quan tâm đến việc duy trì sự hiện diện lâu dài tại Syria. Mohammad Marandi - nhà phân tích chính trị tại Đại học Tehran - khẳng định: “Iran cảm thấy ổn khi rút quân khỏi Syria. Đây không phải là nơi đầu tiên họ đặt chân tới, và nếu Mỹ cùng các đồng minh của mình không tạo ra một mớ hỗn độn tại Syria thì Iran đã chẳng có mặt ở đây lúc này”.
Nhà phân tích người Nga Vladimir Sotnikov cho rằng ông Putin không muốn làm tổn hại “mối quan hệ đối tác chiến lược” với Iran. Chia sẻ với hãng tin AFP, ông nói: “Mặc dù Iran không phải là một đối tác dễ chịu với Nga, song hai nước sẽ không phá vỡ mối quan hệ chặt chẽ của mình”. Ông Sotnikov cho rằng các lực lượng nước ngoài mà ông Putin ám chỉ chính là những quốc gia không nhận được sự cho phép rõ ràng của Tổng thống Assad, và những quốc gia này không bao gồm Iran.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng các bên tham gia chính đang tìm một chỗ đứng trong bối cảnh hậu chiến tranh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục