Những trường hợp được hoàn tiền đóng BHXH tự nguyện

10:36' - 23/04/2024
BNEWS Bà N.T.H đóng BHXH tự nguyện theo phương thức đóng 6 tháng một lần. Tháng 11/2023 bà đủ 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu.

Bà H hỏi, bà làm đơn đề nghị giải quyết hưu trí từ tháng 11/2023 và yêu cầu hoàn trả cho bà 2 tháng đóng BHXH tự nguyện do bà đóng thừa thì có được không? Hay bà phải chờ hết phương thức đóng mới được hưởng chế độ hưu trí?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 30/12/2015 của Chính phủ thì trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:

- Dừng tham gia BHXH tự nguyện và chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc;

- Hưởng BHXH một lần;

- Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì trường hợp người tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP mà vẫn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng dừng đóng BHXH tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP thì bà Hồng không thuộc trường hợp được hoàn trả tiền đã đóng BHXH tự nguyện. Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH nêu trên, thời điểm hưởng lương hưu đối với bà H là tháng 1/2024 (là ngày 1 tháng liền kề sau tháng dừng đóng BHXH tự nguyện).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục