Những xu hướng nổi bật của kinh tế toàn cầu năm 2024

06:30' - 27/01/2024
BNEWS Tạp chí Le Nouvel Economiste dự báo kinh tế thế giới sẽ đi vào chu kỳ thoát khỏi suy thoái trong năm 2024, trong đó kinh tế châu Âu có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt hơn so với kinh tế Mỹ.

Đề cập đến những xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong năm 2024, tạp chí Le Nouvel Economiste (Pháp) dự báo kinh tế châu Âu sẽ có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt hơn so với nền kinh tế Mỹ, đồng USD sẽ giảm giá trị và các công ty công nghệ lớn (Big Tech) sẽ chứng kiến sự phân khúc.

Năm nay, dự báo kinh tế thế giới sẽ đi vào chu kỳ thoát khỏi suy thoái. Năm 2023, lãi suất đã tăng cao đến mức hầu hết các chuyên gia chắc chắn rằng những công ty mắc nợ sẽ nhanh chóng phá sản, người tiêu dùng sẽ trở nên thận trọng trong chi tiêu và đầu tư, thị trường sụp đổ, suy thoái kinh tế sẽ xảy ra và thế giới phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh điển. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Hoặc ít nhất là không phải đối với Mỹ, nơi nền kinh tế đã tỏ ra có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt.

Một trong các lý do, đó là người Mỹ đã chặn lạm phát bằng cách giữ cho lãi suất thấp hơn. Các doanh nghiệp hoạt động có uy tín và chất lượng được đánh giá là "Điểm đầu tư an toàn" đã bán các trái phiếu dài hạn hơn, với thời gian trung bình hiện nay là mười hai năm. Điều này giúp các doanh nghiệp giải tỏa áp lực của việc tăng lãi suất gần đây. Người sở hữu nhà ở Mỹ vẫn đang trả mức lãi suất thế chấp trung bình là 3,75%, thấp hơn gần một nửa so với các khoản vay mới.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ và các thị trường vẫn duy trì xu hướng suy giảm từ từ. Điều này có thể thấy rõ trên thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 chưa đạt mức cao mới trong vòng hai năm qua và hiện chỉ cao hơn 20% so với mức trung bình trong vòng 150 năm trở lại đây, trong khi chỉ số này vào cuối năm 2021 đã từng vọt lên đến 45%. Do đó với chi phí vay vốn duy trì ở mức tương đối cao, kinh tế vẫn có nguy cơ trượt dốc, nhưng tránh được một cuộc suy thoái kinh tế kinh điển.

Năm 2024 cũng sẽ cho thấy châu Âu có khả năng chống chọi tốt hơn. Năm ngoái, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5%, nhanh gấp 5 lần so với châu Âu, làm rộng thêm khoảng cách giữa hai nền kinh tế, vốn đã tồn tại trong nhiều năm, thậm chí từ vài thập kỷ.

Châu Âu có vẻ như đang mất niềm tin vào triển vọng kinh tế nên không có động thái gì nhiều. Nhưng trong bối cảnh hầu như không có kỳ vọng thì thậm chí chỉ vài cải thiện nhỏ cũng có thể mang lại niềm tin mới, như điều đã được thấy ở Nhật Bản trong năm 2023 và năm nay rất có thể là đến lượt châu Âu. Nơi đây đã chứng kiến tình trạng thiếu năng lượng do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine đã giảm bớt, lạm phát giảm từ hơn 10% xuống còn 2,5%. Tiền lương từ lâu có xu hướng đi xuống, nhưng hiện lại đang tăng với tốc độ 3%, nhanh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, khiến sức mua của người tiêu dùng được cải thiện hơn.

 

Đợt tăng lãi suất gần đây ảnh hưởng nặng nề tới người châu Âu hơn là người Mỹ vì họ có nhiều khoản vay mua nhà và các khoản vay dài hạn khác. Nhưng về cơ bản họ đã vượt qua thử thách của việc siết chặt chính sách tiền tệ và có vẻ như chịu ít tổn thất hơn so với người Mỹ. Ngoài ra, trong khi hàng tỷ USD mà người tiêu dùng tích lũy được trong thời kỳ đại dịch được dân Mỹ dùng cho chi tiêu, thì người châu Âu lại bỏ ống tiết kiệm với lãi suất cao. Theo JPMorgan, số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình tại châu Âu hiện chiếm 14% thu nhập hàng năm của họ, so với 11% hai năm trước. Những dấu hiệu trên cho thấy sự trở lại mạnh mẽ hơn của châu Âu vào năm 2024.

Các nhà đầu tư quốc tế nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm đầu tư tại Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này lần đầu tiên chuyển sang mức âm.

Năm 2024 là năm đánh dấu khả năng phục hồi của các nước mới nổi khác. Cách đây không lâu, nhiều nền kinh tế nhỏ mới nổi đã phát triển thịnh vượng nhờ bán nguyên liệu thô cho các nước lớn, hoặc phát triển tương tự như Trung Quốc. Hiện tại, điều này không còn đúng nữa. Ngày nay, một Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng có thể mang lại cơ hội cho các quốc gia mới nổi thay vì là một thách thức.

Cho đến gần đây, Trung Quốc đã thu hút hơn 10% vốn FDI toàn cầu. Khi dòng đầu tư này bị đảo ngược, những người hưởng lợi lớn là các nước mới nổi, dẫn đầu là Ấn Độ, Indonesia, Ba Lan và đặc biệt là Mexico, với thị phần tăng hơn gấp đôi, đạt 4,2%.

Các nhà đầu tư chuyển hướng sang các quốc gia nơi họ có thể tin tưởng vào bộ máy quản lý kinh tế. Trong thời kỳ đại dịch, chính phủ các nước mới nổi đã hạn chế việc vay mượn quá nhiều. Các ngân hàng trung ương của họ tránh mua trái phiếu với số lượng lớn và tăng lãi suất nhanh hơn so với ngân hàng trung ương ở các nước phát triển khi lạm phát quay trở lại. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, trước đây từng được xem là thiếu trách nhiệm trong chính sách kinh tế, cũng đã thay đổi và áp dụng một chính sách kinh tế truyền thống.

Đầu năm 2023, nhiều nhà quan sát lo ngại rằng sự tăng lãi suất có thể làm tái xuất hiện sự bất ổn giống như những năm 1990, khi hàng chục quốc gia mới nổi vỡ nợ hàng năm. Nhưng trên thực tế chúng ta chứng kiến điều ngược lại đã xảy ra:  chỉ có hai thị trường mới nổi nhỏ (Ghana và Ethiopia) vỡ nợ trong năm qua - và không có thị trường lớn nào rơi vào tình trạng này. Các quốc gia mới nổi gây ấn tượng không phải bởi sự mong manh của họ, mà là bởi khả năng chống cự và phục hồi. Thế giới sẽ tiếp tục nhận thấy điều này trong năm tới.

Hiện nay, đồng USD vẫn được định giá cao so với tất cả các đồng tiền lớn khác nhưng kể từ 2024, đồng bạc xanh sẽ giảm giá. Vào cuối năm 2022, đồng USD đạt mức tỷ giá hối đoái cao nhất trong hai thập kỷ so với các đồng tiền lớn khác và có xu hướng giảm kể từ đó. Lịch sử cho thấy chu kỳ giảm giá của đồng USD kéo dài khoảng bảy năm, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm có thể sẽ tăng tốc.

Hầu hết các nhà kinh tế vẫn tin rằng đồng USD sẽ không giảm nhiều vì không có lựa chọn thay thế nào khác và các nhà đầu tư sẽ không bao giờ chán việc mua nợ của Mỹ. Đó là sự quá tự tin khi đề cập đến mức thâm hụt kép hơn 10% GDP của Mỹ - thâm hụt ngân sách công và cân đối thương mại - cao hơn gấp đôi mức trung bình của các nước khác. Kể từ năm 2000, nợ ròng của Mỹ đối với phần còn lại của thế giới đã tăng hơn bốn lần lên 66% GDP, trong khi tính trung bình, các nước phát triển khác đã giảm nợ và trở thành chủ nợ ròng.

Việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế đang được tiến hành. Các ngân hàng trung ương nước ngoài đang chuyển dự trữ của họ sang các đồng tiền cạnh tranh thay vì giữ đồng USD và mua vàng ở mức kỷ lục. Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) gần đây đã cùng với Nga và các nhà sản xuất dầu mỏ khác chấp nhận thanh toán bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD trong giao dịch mua bán dầu. Và nếu gánh nặng nợ ngày càng tăng của Mỹ làm nền kinh tế chậm lại nhanh hơn dự kiến - một khả năng thực tế - đồng USD sẽ phải đối mặt với mối đe dọa kép vào năm 2024.

Năm 2024 cũng là năm chứng kiến sự phân khúc của các “Big Tech”. Trong năm 2023, cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ, được biết đến với tên gọi "bảy ông lớn" (Microsoft, Nvidia, Tesla, Meta, Apple, Alphabet và Amazon), đã trải qua một sự bùng nổ mới nhờ vào sự lan tỏa của suy nghĩ cho rằng họ là những công ty duy nhất đủ giàu để có thể tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng lớn tiếp theo, trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, chỉ có ba trong số họ là những công ty thực sự lớn trong lĩnh vực này, bao gồm Microsoft, Alphabet và Nvidia. Và chỉ có Nvidia thực sự kiếm được tiền từ lĩnh vực AI. Các công ty khác, may mắn được các nhà đầu tư quan tâm, đã được chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng vọt đáng kể so với sự tăng trưởng của lợi nhuận.

Đây là một hội chứng rất quen thuộc: một sáng kiến mới ra đời thường làm phấn khích các nhà đầu tư, họ đổ tiền vào tất cả các công ty có liên quan, dù không thực sự phát triển sáng kiến này, cho đến khi họ nhận ra rằng hầu hết các công ty đó không nhanh chóng kiếm được tiền từ ý tưởng mới đó. Điều này đã xảy ra vào thời kỳ của các công ty "Dotcom", và vẫn đang diễn ra. Hiện nay, dự báo lợi nhuận của bảy công ty công nghệ lớn bắt đầu phân khúc cho năm 2024 là tăng nhanh đối với Nvidia, hầu như không giảm đối với Apple và giảm đối với Tesla.

“Cơn cuồng AI” xuất hiện trong một bối cảnh bất thường, khi phần còn lại của lĩnh vực công nghệ đang trải qua một cuộc suy thoái nhỏ. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đã giảm mạnh. Do ảnh hưởng từ Amazon, Alphabet và Microsoft, hơn 1.100 công ty công nghệ đã sa thải nhân viên trong năm ngoái, 70.000 việc làm bị mất đã khiến cho ngành công nghiệp này trở thành lĩnh vực duy nhất, ngoại trừ điện ảnh, giảm số lượng nhân sự của mình trong năm 2023. Và khả năng cao trong năm 2024 sẽ là một sự sụt giảm mới chứ không phải là sự bùng nổ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục