Niềm tin quay trở lại với thị trường bất động sản

11:31' - 24/04/2024
BNEWS 2024 là năm bản lề tạo xung lực cho thị trường bất động sản với hàng loạt bộ luật quan trọng liên quan sẽ sớm có hiệu lực, đang gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành.

Đã gần hết tháng đầu của quý II/2024, nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản đã được các bộ ngành triển khai thực hiện. Đặc biệt, năm 2024 được kỳ vọng là năm bản lề tạo xung lực cho thị trường bất động sản khi hàng loạt bộ luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực này sẽ sớm có hiệu lực và đang được gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành.

Đáng chú ý, cùng với việc đồng bộ chính sách, niềm tin cũng đã quay trở lại với thị trường bất động sản bởi đây vẫn là một kênh trú ẩn và gia tăng lợi nhuận tốt so với các kênh đầu tư khác. Khi có các chính sách điều tiết phù hợp, bất động sản sẽ hấp dẫn nguồn vốn đầu tư, nhất là khi hạ tầng đang ngày càng phát triển cũng tạo ra những trợ lực đáng kể.

Ông Bùi Quý Trung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Flamingo nhận xét: “Chúng tôi thấy được sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ. Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực vào 1/1/2025. Đặc biệt là việc gần đây là Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường thúc đẩy để đưa Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sớm vào ngày mùng 1/7/2024. Đây cũng là một trong những điểm doanh nghiệp rất mong chờ”.

 

Về phía doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Trung bày tỏ vẫn có lo lắng về giá đất. Bởi giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bài toán tổng vốn đầu tư, quyết định đầu tư và những sản phẩm đưa ra cho thị trường. Năm 2023 rất khó khăn nhưng các sản phẩm có giá chào bán tại thời điểm này không giảm so với những đợt trước. Đây là câu chuyện đúng với rất nhiều doanh nghiệp bởi chi phí đầu vào doanh nghiệp bị đẩy lên theo chi phí đất tăng.

Tổng mức đầu tư của một doanh nghiệp khó có thể giảm nên bán cũng lỗ mà không bán cũng lỗ. Do đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn buộc phải gồng gánh để qua giai đoạn này. Giảm nữa thì vẫn lỗ nên nhiều doanh nghiệp cố cầm cự qua đợt khó khăn rồi quay trở lại thị trường.

Dù những chuyển biến đã được ghi nhận kể từ cuối năm 2023 nhưng Bộ Xây dựng vẫn chủ động đề ra 5 giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản ngay từ đầu năm 2024 và đang được triển khai nhanh. Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, nhóm giải pháp này tập trung vào tháo gỡ chính sách và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng đó là hoàn thiện văn bản luật hướng dẫn các luật vừa được thông qua; tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho thị trường thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng; tập trung đề án phát triển nhà ở xã hội; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…

Ông Hoàng Hải đặc biệt nhấn mạnh về 3 nhóm giải pháp chính; trong đó nổi bật là thể chế gồm có luật và Nghị định. Theo ông Hải, đối với các Nghị định hướng dẫn một số luật liên quan đang đặt mục tiêu khoảng giữa tháng 5 là Chính phủ sẽ ký ban hành để theo quy định là ngày 1/7 có hiệu lực. Hiện Bộ Xây dựng đang bám tiến độ này đối với Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản.

Còn đối với Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đang quyết liệt để làm. Như vậy nhóm chính sách cũng đúng tiến độ và thật ra là đang vượt thời hạn so với quy định – ông Hoàng Hải chia sẻ.

Một trong những giải pháp được quan tâm chính là gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (đã cập nhật nguồn vốn thêm thành 125.000 tỷ đồng). Hiện việc giải ngân được khoảng 800 tỷ đồng cũng đã được giải ngân. Khoảng 26 địa phương đã công bố danh sách các dự án có nhu cầu vay vốn với 45.000 tỷ đồng. Ngoài ra, rất nhiều dự án khác cũng đang làm thủ tục bởi vì còn phụ thuộc vào nguồn cung nên các địa phương vẫn tiếp tục thống kê.

Liên quan đến Đề án phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, ông Hải thông  tin, đến nay, cả nước đã có 71 dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021-2023 với khoảng 38.000 m2. Cùng đó, có khoảng 127 dự án đã khởi công và hiện nay đang còn khoảng 301 dự án đang làm các thủ tục tiếp theo gồm các thỏa thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, làm các thủ tục phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang rất gấp rút trong việc thẩm tra và là thủ tục giải ngân. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra các chính sách và thu xếp nguồn vốn đáp ứng yêu cầu tiến độ trong quý vừa qua. Ông Hoàng Hải phân tích, Nghị quyết 33 đưa ra các nhiệm vụ phải làm.

Từ xây dựng thể chế đến chính sách đã được các bộ ngành giải quyết. Vấn đề đẩy mạnh thực thi pháp luật của chính quyền địa phương gồm có rút ngắn thời gian thực hiện, cải cách thủ tục hành chính… cũng đang được làm và theo đúng tiến độ. Riêng mục tiêu sẽ hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ trong năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục