Ninh Bình thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp FDI

19:13' - 04/06/2022
BNEWS Ngày 4/6, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn.

Ngày 4/6, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc và trao đổi các giải pháp phát triển. Dự buổi gặp mặt có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình cùng giám đốc 25 doanh nghiệp FDI, đại diện cho 87 doanh nghiệp FDI trong tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 87 dự án FDI đang hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký đạt trên 1,56 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 52.000 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2021, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp FDI chiếm trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,95 tỷ USD, chiếm 65,58% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách gần 4 triệu USD/năm.

Tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp FDI đã trao đổi những điều kiện thuận lợi cũng như các khó khăn, vướng mắc, tồn tại đang gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất; danh mục các thiết bị, vật tư được phép nhập khẩu; nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu vào các nguồn nguyên liệu sản xuất; tạo điều kiện xây dựng cảng thủy nội địa...

Ông Lin Tai Liang, Giám đốc Công ty Interconnect Power & Signal, khu công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình mong muốn sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích công ty đang sử dụng và được thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bán buôn các mặt hàng nguyên vật liệu của công ty.

Ông Joung Dong Sung, Giám đốc Công ty TNHH Goryo Việt Nam, đóng tại Cụm công nghiệp Gia Vân, huyện Gia Viễn phản ánh về tình trạng thường xuyên bị cắt điện do sự cố hoặc kế hoạch sửa chữa của ngành điện lực, gây ảnh hưởng đến sản xuất, giảm sản lượng của công ty. Do đó, công ty đề nghị ngành điện đảm bảo việc cung cấp điện thường xuyên, liên tục.

 

Ông Trần Ngọc Tân, Giám đốc Công ty xi măng Hệ Dưỡng kiến nghị về thủ tục thuê đất với Dự án khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực núi Mả vối, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư.

Do sự chồng chéo trong quy hoạch và không thống nhất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo của dự án, ảnh hưởng đến khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đại diện các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình đã giải đáp các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp theo thẩm quyền, đảm bảo các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp FDI và phản hồi của các cơ quan chuyên môn, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp với nền kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành hữu quan nhanh chóng giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp FDI hoạt động sản xuất kinh doanh. UBND tỉnh Ninh Bình cam kết thường xuyên tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp để cùng chia sẻ, hợp tác và phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, phân loại các ý kiến, tham mưu cho UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các ngành xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra toàn diện năng lực của các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; trong đó, phải cam kết đáp ứng đủ điện, nước và hệ thống xử lý môi trường.

Sở Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thành lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục