Ninh Thuận cần sớm tháo gỡ vướng mắc về xây dựng trạm thu phí BOT

09:48' - 17/08/2016
BNEWS Hơn một năm nay, chuyện xây dựng trạm thu phí BOT tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đã nhiều lần được mang ra đàm phán nhưng vòng luẩn quẩn về giá cả, vị trí đặt trạm vẫn chưa có lối thoát.
Dự án trạm thu phí BOT tại 1584+100 thuộc huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận)vẫn gặp khó. Ảnh minh họa: báo giao thông

Với lý do được cho là vị trí đặt trạm thu phí không phù hợp, việc giá cả bồi thường, giải phóng mặt bằng thấp, không minh bạch, không rõ ràng…, đã dẫn đến tình trạng dự án xây dựng trạm thu phí BOT tại 1584+100 thuộc thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) bị người dân ngăn chặn.

Để xây dựng trạm thu phí nói trên, nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV BOT tại Ninh Thuận phải thu hồi gần 6.000 m2 đất hai bên đường của 19 hộ dân ở thôn Lạc Sơn 3.

Vào năm 2015, ngay khi bắt đầu khởi công xây dựng trạm thu phí trên tuyến quốc lộ do BOT đầu tư mở rộng thì đã bị người dân nơi đây ngăn chặn, vì họ cho rằng khi chọn vị trí cũng như khi thu hồi đất để xây dựng trạm thì UBND tỉnh, ngành chức năng và nhà đầu tư tự ý ra quyết định thu hồi đất với giá rẻ mạt để xây dựng trạm thu phí.

Ông Thái Đông Thành có đất bị thu hồi, ở thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná bức xúc nói: Chưa có họp dân, không biết dân có đồng thuận hay không mà dửng dưng ra quyết định thu hồi đất của dân để thực hiện xây dựng trạm thu phí giao thông.

Dự án này là của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp đối thoại, thỏa thuận giá cả đất thu hồi với dân, nhưng đằng này lại có sự can thiệp của chính quyền các cấp trong việc định giá, thậm chí chính quyền còn dọa là sẽ bảo vệ thi công hoặc sẽ bị cưỡng chế nếu như không thi hành.

Bà La Thị Lệ Phương, chủ cơ sở kinh doanh nước mắm Phương Thảo 2, xã Cà Ná, bức xúc cho biết, tài sản của bà trên đất là cơ sở kinh doanh họ cũng không bồi thường hay hỗ trợ đồng xu nào. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nói, nhà xây dựng trước năm 2004 mới được đền bù hay hỗ trợ, còn sau năm 2004 thì không tính đồng nào cả.

“Tôi nghĩ xây nhà là để an cư lạc nghiệp, chứ xây đâu phải là để đón đầu dự án mong chờ thu hồi lấy tiền, trong khi tôi xây nhà cách đây cũng rất lâu, trước thời điểm đầu tư xây dựng mở rộng tuyến quốc lộ 1A. Thấy quá vô lý nên tôi và người dân nơi đây không cho thi công trạm thu phí. Hai ba tháng nay nhà cũng không bán buôn gì được, đóng cửa đưa con đi làm thuê tại các lò cá hấp”, bà Phương nói.

Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi cho rằng, năm 2015 nhà đầu tư BOT bắt đầu xây dựng trạm thu phí, nhưng mãi đến cuối tháng 7/2016 mới có quyết định thu hồi đất của dân.

Khi bị ngăn chặn, Trung tâm phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, nhà đầu tư BOT, huyện, xã…có tổ chức đối thoại với dân ba lần nhưng tất cả đều không tìm được tiếng nói chung, biên bản làm việc không có, chẳng có ai ký tá biên bản nào.

Tuy vậy họ vẫn báo cáo với Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải là đã tổ chức đối thoại và người dân đã đồng ý giao đất làm trạm thu phí, đó là báo cáo sai sự thật.

Ông Tống Mỹ Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, tuyến mở rộng quốc lộ 1 A qua tỉnh Ninh Thuận có đoạn được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ, có đoạn đầu tư theo hình thức BOT.

Việc chọn vị trí làm trạm thu phí tại Km 1584+100 thuộc thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná là đúng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, tức trạm cách trạm phải từ 60 đến 70 Km. Hơn nữa đoạn đường chọn đặt trạm thu phí thuộc BOT đầu tư thi công, không thể chọn điểm khác như người dân đề nghị.

Theo ông Cường, lúc đầu nhà đầu tư BOT chỉ thi công làm trạm thu phí trên mặt đường do BOT đầu tư mở rộng, việc thu hồi đất mở rộng làn đường để phương tiện qua trạm là chưa thực hiện.

Do đó chưa có phương án họp dân tiến hành thu hồi đất. Khi bị người dân ngăn chặn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, nhà đầu tư BOT khẩn trương họp dân để có cơ sở ra quyết định thu hồi bồi thường đất.

Theo ý kiến chỉ đạo thì các ngành liên quan và nhà đầu tư đã 3 lần tổ chức đối thoại để thu hồi đất nhưng đến giờ trong số 19 hộ có đất thu hồi làm trạm thu phí chỉ có 1 hộ nhận tiền đền bù. 18 hộ còn lại thì quá “yêu sách”, đòi phải đền bù với giá thị trường là không thể chấp nhận được.

Ông Cường cho rằng, qua kiểm kê, đo đạc thì rõ ràng đây là đất nông nghiệp. Theo quy định giá đất do UBND tỉnh ban hành thì đất nông nghiệp khi bị thu hồi có giá 35.000 đồng/m2. Xét thấy kinh tế người dân khó khăn nên nhà đầu tư cũng hỗ trợ 130.000 đồng/m2.

Do phải mở rộng diện tích hai bên đường để thuận tiện xe cộ qua trạm nên nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ cho dân một lần nữa là 130.000 đồng/m2, tổng cộng đất thu hồi làm trạm thu phí có giá đến 295.000 đồng/m2 đất, cao gần bằng giá đất ven khu vực thành phố.

Còn việc tài sản trên đất không bồi thường, hỗ trợ là vì người dân đã xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Theo quy định của Luật Đất đai, nếu tài sản trên đất bị thu hồi xây dựng trước năm 2004 thì được bồi thường, hỗ trợ với mức khác nhau, còn sau năm 2004 mà xây dựng thì không tính đến.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, để có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định phạm vi cần thu hồi thực hiện công trình một cách chính xác và hợp lý.

Đồng thời rà soát lại lần cuối về chính sách thu hồi, bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất, không để xảy ra sai sót, thiệt thòi về quyền lợi của người dân.

Do bị người dân ngăn chặn, hiện nay trạm thu phí này chỉ thi công phần vòm, chưa lợp được mái, các hạng mục khác cũng chưa được khởi động. Nhiều vật dụng dùng thi công bỏ bê bên lề đường rất ngổn ngang.

Vì lẽ đó, tuyến quốc lộ 1A đoạn qua trạm thu phí này luôn gây sự bất an, mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua lại. Nỗi lo ấy là có cơ sở, bởi mới đây tại trạm thu phí này đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Nếu dự án cứ bị chốt kiểu như vậy thì rõ ràng là không thể lường trước được nguy cơ tai nạn liệu không xảy ra?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục