Không áp dụng đầu tư BOT với quốc lộ 22B trên địa bàn Tây Ninh

21:07' - 11/08/2016
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải sẽ kết hợp với tỉnh Tây Ninh đầu tư, nâng cấp quốc lộ 22B bằng vốn ngân sách nhà nước thay vì áp dụng đầu tư BOT.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Chiều ngày 11/8, tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải do Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm trưởng đoàn với tỉnh Tây Ninh về một số dự án giao thông trên địa bàn tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với tỉnh sẽ không áp dụng hình thức đầu tư BOT (đầu tư, thu phí, chuyển giao) đối với tuyến quốc lộ 22B theo dự kiến ban đầu.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng tỉnh đầu tư, nâng cấp bằng vốn ngân sách nhà nước để giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Để dự án nâng cấp Quốc lộ 22B (đoạn từ Ngã 3 đường xuyên Á thuộc huyện Gò Dầu đi cửa khẩu quốc tế Xa Mát, dài khoảng 80 km) sớm được triển khai, hoàn thành trong 2 năm 2017-2018 theo dự kiến, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã giao Tổng cục đường bộ khẩn trương thực hiện phương án khảo sát kỹ lưỡng, bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư tiết kiện nhất, mang lại hiệu quả nhất, thời gian thực hiện nhanh nhất, để tránh gây lãng phí cho xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, qua đánh giá 5 năm đầu tư làm đường giao thông bằng phương thức BOT, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy đây là phương thức đem lại nhiều kết quả tốt, nhưng cũng có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm như không nên làm BOT trên những tuyến đường độc đạo, không có lựa chọn của người dân, đầu tư trên nền đường cũ như tuyến Quốc lộ 22.

Sắp tới, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đồng ý cho đầu tư hình thức BOT đối với những tuyến đường làm mới, có tính cấp bách, cần thiết, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội ngay, không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người dân, nhưng nhà nước thiếu hụt nguồn vốn đầu tư .

Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ tăng cường giám sát các dự án giao thông đầu tư bằng hình thức BOT, bảo đảm phải minh bạch trong kêu gọi, chọn lựa nhà đầu tư và minh bạch trong quá trình giám sát, thực hiện dự án cũng như chi phí trong xây lắp và trong quá trình thu phí.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết thêm, với sức hút đầu tư mạnh mẽ như hiện nay, Tây Ninh cũng cần phát triển mạnh hơn nữa hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh ưu tiên dành nguồn lực để xây dựng sớm tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ trình Chính phủ bổ sung dự án kết nối đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát theo đề nghị của tỉnh.

Đồng thời, đề nghị Tây Ninh bên cạnh phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, cần chú trọng khai thác 2 tuyến vận chuyển đường thủy trên sông sài Gòn và Sông vàm Cỏ Đông, nhằm khai thác có hiệu quả các lợi thế về giao thông trên địa bàn tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục