Ninh Thuận giải quyết vướng mắc xây dựng trạm thu phí BOT

16:08' - 01/09/2016
BNEWS UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc xung quanh việc xây trạm thu phí BOT thuộc huyện Thuận Nam.
UBND tỉnh Ninh Thuận giải quyết vướng mắc xây dựng trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh. Ảnh: baodautu.vn

Trước thông tin phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam về trạm thu phí BOT tại Km 1584+100 thuộc thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) bị người dân ngăn chặn, do vướng mắc về vị trí đặt trạm, giá cả đền bù…, UBND tỉnh Ninh Thuận đã vào cuộc, đề ra nhiều giải pháp, tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc, sớm khơi thông dự án này.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã yêu cầu các cơ quan có liên quan trong tỉnh khẩn trương rà soát toàn bộ trình tự, thủ tục đo đạc, quy chủ, kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ, niêm yết công khai phương án và chính sách bồi thường theo đúng quy định pháp luật cho người dân có đất thu hồi làm dự án.

Bên cạnh đó, phải bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung chưa phù hợp, chưa rõ ràng, đầy đủ theo quy định pháp luật để có sự thống nhất chung, giải quyết một cách thấu đáo, đạt tình đạt lý cho người dân.

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng dự án hiểu rõ chính sách của Nhà nước về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ để xây dựng trạm thu phí và các vấn đề có liên quan đến dự án, đảm bảo thực hiện bồi thường, hỗ trợ đúng pháp luật, phù hợp thực tế, tạo sự đồng thuận ủng hộ chủ trương thực hiện dự án của người dân.

Ông Trần Quốc Nam cũng yêu cầu nhà đầu tư dự án BOT phải có trách nhiệm chứng minh trạm thu phí là dự án thành phần của dự án mở rộng Quốc lộ 1A qua tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời phải có văn bản thông báo công khai đến người dân địa phương về chính sách hỗ trợ, miễn giảm phí xe ô tô đăng ký tại 2 xã Cà Ná và Phước Diêm, huyện Thuận Nam khi lưu thông qua trạm.

Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã vận dụng hết các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời cũng đề nghị nhà đầu tư hỗ trợ đến mức có thể. Nếu người dân vẫn cố tình cản trở, không chấp hành, UBND tỉnh buộc phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật, để sớm bàn giao 100% mặt bằng cho nhà đầu tư.

Để thực hiện dự án xây dựng trạm thu phí, nhà đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên BOT tại Ninh Thuận phải thực hiện thu hồi gần 6.000 m2 đất hai bên đường của 19 hộ dân ở thôn Lạc Sơn 3.

Năm 2015, khi trạm thu phí bắt đầu khởi công xây dựng thì bị người dân ngăn chặn, vì họ cho rằng vị trí đặt trạm không phù hợp, việc đền bù đất bị thu hồi rẻ mạt… khiến dự án bị cản trở hơn 2 năm nay.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, vị trí chọn đặt trạm thu phí tại Km 1584+100 là đúng theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, tức trạm cách trạm từ 60 đến 70 Km. Hơn nữa đoạn đường chọn đặt trạm thu phí thuộc dự án BOT đầu tư thi công, không thể chọn điểm khác.

Do đó người dân đề nghị dời trạm về nơi khác là không đúng. Mức giá đền bù đất thu hồi là đúng quy định của tỉnh, tức 35.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp). Thấy đời sống người dân nhiều khó khăn, nhà đầu tư cũng đã hai lần hỗ trợ với giá 260.000 đồng/m2, nâng tổng giá trị đất thu hồi làm trạm lên đến 295.000 đồng/m2, cao gần bằng giá đất ven khu vực thành phố thu hồi. Nhưng người dân vẫn cố tình “yêu sách”, đòi hỏi vô lý.

Thực hiện xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải đã 3 lần yêu cầu UBND tỉnh Ninh Thuận phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, nhưng đến nay đã quá thời hạn quy định mà việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa có chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu.

Cũng vì bị ngăn chặn nên thời gian qua nhiều vật dụng, thiết bị công trình nhà đầu tư đưa về thi công trạm đã bị các đối tượng lấy trộm, tháo gỡ, làm hư hỏng đáng kể, gây mất an toàn giao thông. Trạm thu phí này hiện chỉ thi công được phần vòm, chưa lợp được mái, các hạng mục khác vẫn trống rỗng, vật dụng thi công bỏ bê ngổn ngang. Do vậy đoạn đường qua trạm thu phí này luôn gây sự bất an, mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Dự án mở rộng quốc lộ 1A là dự án trọng điểm quốc gia và công trình trạm thu phí Cà Ná nằm trong dự án này. Do vậy người dân vùng dự án cũng cần sẻ chia, tạo điều kiện thuận lợi để dự án xây dựng trạm sớm triển khai thi công, vì lợi ích chung, đảm bảo an toàn giao thông cho người, phương tiện lưu thông qua địa bàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục